Cao Bằng tổ chức tọa đàm Kỷ niệm 70 năm Ngày Điện ảnh cách mạng Việt Nam

21/03/2023 649 0
Ngày 15/3/2023, tại thành phố Cao Bằng, Trung tâm Văn hóa và Thông tin du lịch tỉnh Cao Bằng đã tổ chức tọa đàm kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Điện ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2023).

cb

  Các đại biểu tham dự tọa đàm.

Tham dự có đồng chí Đoàn Thị Lê An, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Cao Bằng; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Sở VHTTDL; nguyên lãnh đạo, trưởng, phó phòng, đội trưởng, rạp trưởng rạp chiếu phim ngành Điện ảnh Cao Bằng qua các thời kỳ và toàn thể viên chức Trung tâm Văn hóa và Thông tin du lịch Cao Bằng.

cb

Đồng chí Triệu Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Thông tin du lịch tỉnh Cao Bằng phát biểu khai mạc.

Ngày 15/3/1953, tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 147/SL quyết định thành lập “Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam”, chính thức khai sinh ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh Cách mạng Việt Nam. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam là một trong những lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng, luôn làm tròn nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Điện ảnh Cao Bằng được thành lập năm 1972, với tên gọi phòng Chiếu bóng trực thuộc Ty Văn hóa Cao Bằng. Trải qua các tên gọi của các thời kỳ như:  Công ty Chiếu bóng - Giai đoạn 1972-1981; Công ty Điện ảnh - Giai đoạn 1981-1996; Công ty Điện ảnh và Văn hóa phẩm - Giai đoạn 1996 - 2006; Trung tâm Điện ảnh và Văn hóa phẩm - Giai đoạn 2006 – 2008; Trung tâm Điện ảnh, Sách văn hóa phẩm - Giai đoạn 2008 – 2016; Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng - Giai đoạn 2016 – 2019; đến năm 2019, sáp nhập thành Trung tâm Văn hóa và Thông tin du lịch tỉnh Cao Bằng. Từ khi thành lập đến nay, Điện ảnh Cao Bằng cũng nhanh chóng phát triển, khẳng định được vị thế, đóng góp vào sự phát triển chung của nền điện ảnh cách mạng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, không chỉ phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị mà còn từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Trung tâm đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền hiệu quả về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các xóm, bản làng vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, đã xóa được toàn bộ điểm trắng trong lĩnh vực hưởng thụ Điện ảnh trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Trung tâm còn một số khó khăn như: Phương tiện kỹ thuật chuyên ngành còn cũ kỹ, lạc hậu nên ảnh hưởng đến chất lượng buổi chiếu. Năm 2019, Nhà nước thu hồi đất đến nay không còn rạp chiếu phim; các chế độ, chính sách cho hoạt động chiếu phim miền núi còn chưa cụ thể, bất cập, chi phí cho một buổi chiếu phim còn thấp; đời sống viên chức còn gặp nhiều khó khăn; việc đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo yêu cầu phát triển điện ảnh còn chưa được thường xuyên, liên tục…

Ông Nguyễn Danh Hải, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch Nghiệp vụ phát biểu ôn lại những kỷ niệm của ngành Điện ảnh Cao Bằng.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại truyền thống tốt đẹp của điện ảnh Cao Bằng, những kỷ niệm, kinh nghiệm trong quá trình công tác qua các thời kỳ; những mong muốn, các kiến nghị, giải pháp để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ tuyên truyền… Ông Nguyễn Danh Hải, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch Nghiệp vụ nhớ lại: “Thời bao cấp, kinh tế - xã hội nước ta cũng như tỉnh Cao Bằng còn nhiều khó khăn, các buổi chiếu phim tại rạp không còn chỗ trống, trước mỗi buổi chiếu bà con xếp hàng rất đông, có những người phải đặt gạch từ hôm trước buổi chiếu để có chỗ ngồi xem phim”. Nhớ lại một thời khó khăn công tác ở vùng sâu vùng xa, ông Vi Văn Giới, nguyên Đội trưởng Đội Chiếu bóng vùng cao Nguyên Bình chia sẻ: “Thời chiếu bóng những năm 1990 -1995, thời đó đường xá đi lại rất khó khăn, đường đi vào các bản là đường mòn, men theo các sườn đồi núi, anh em chưa có xe máy, phải đi bộ vài km để đến được điểm chiếu bóng. Anh em đi đến đâu cũng được bà con yêu quý, đón tiếp nồng hậu. Các buổi chiếu phim thời đấy rất đông người xem, mỗi khi có đoàn chiếu bóng, bà con xem phim từ đầu đến khi hết buổi chiếu nhưng chưa muốn về. Thời đó tuy khó khăn, vất vả nhưng chúng tôi rất tự hào khi mang văn hóa, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến bản làng...”.

Đồng chí Đoàn Thị Lê An, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Cao Bằng phát biểu tại buổi tọa đàm.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Đoàn Thị Lê An, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Cao Bằng đã ghi nhận những thành tích đơn vị đã đạt được, những đóng góp của các nguyên lãnh đạo qua các thời kỳ và các viên chức đang công tác trong lĩnh vực Điện ảnh Cao Bằng. Đồng chí nhấn mạnh: “Trải qua quá trình hình thành, xây dựng và phát triển, điện ảnh Cao Bằng đã khẳng định được vị thế của mình trong quần chúng nhân dân, đi đến đâu cũng được bà con đón nhận, luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao… Để thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền trong thời gian tới, đồng chí đề nghị: Trung tâm tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục mọi khó khăn, phát huy truyền thống đoàn kết, xây dựng nhiều chương trình hoạt động giáo dục chính trị, nâng cao dân trí hướng về cơ sở; tiếp tục quan tâm, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực điện ảnh và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, đưa lĩnh vực điện ảnh là một trong những nội dung quan trọng trong các kế hoạch, chương trình công tác của địa phương và ngành Văn hóa. Xây dựng nội dung tuyên truyền phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, để tiếp tục thực hiện tốt chiến lược điện ảnh và đưa điện ảnh trở thành một trong những lĩnh vực chủ đạo của ngành Văn hóa. Chủ động tìm kiếm các nguồn phim có nội dung giáo dục tư tưởng, chính trị, mang đậm truyền thống văn hóa dân tộc, đồng thời có giá trị giải trí, đạt hiệu quả xã hội cao trong nhiệm vụ công tác tuyên truyền tại địa phương; tranh thủ huy động nguồn lực đầu tư, nguồn lực xã hội nhằm nâng cao điều kiện vật chất, nguồn nhân lực, đầu tư phương tiện trang thiết bị và có chế độ khuyến khích các đội chiếu bóng lưu động trong phục vụ nhân dân nhất là các vùng khó khăn, vùng cao, biên giới…”      

Đồng chí Triệu Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Thông tin du lịch tỉnh tặng quà tri ân các thế hệ nguyên lãnh đạo ngành Điện ảnh Cao Bằng.

Dịp này, Trung tâm Văn hóa và Thông tin du lịch đã tặng 15 phần quà tri ân các thế hệ nguyên là lãnh đạo ngành Điện ảnh Cao Bằng qua các thời kỳ.

Tác giả bài viết: Hoài Nam

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu