Du khách thích thú trải nghiệm văn hóa tại lễ hội Nàng Hai

28/04/2022 989 0
Đến với lễ hội Nàng Hai tại xóm Hợp Thành (trước đây là xóm Nưa Khau), xã Tiên Thành, huyện Quảng Hòa, du khách sẽ được trải nghiệm những nét độc đáo trong văn hóa bản địa và hòa vào phong cảnh làng quê yên bình đặc trưng của miền non nước Cao Bằng.

Du khách nô nức đến tham gia trẩy hội

Lễ hội Nàng Hai tại xóm Hợp Thành được tổ chức hai năm một lần vào ngày 22/3 âm lịch năm chẵn, thể hiện ý nghĩa cầu mùa, cầu phúc và cầu nhân duyên. Lễ hội gồm ba phần là: Lễ đón Hai, lễ cầu Hai và lễ tiễn Hai trong mỗi một phần nghi lễ đều có những lễ vật khác nhau.

Lễ hội truyền tải hai nội dung chính: thứ nhất là tưởng nhớ đến nàng công chúa Tiên Dao của nhà Mạc – người đã sáng tạo những làn điệu dân ca lượn Slương, lượn Nàng Hai. Những làn điệu đó được coi là linh hồn của lễ hội và ngày nay đã trở thành một nghệ thuật dân gian truyền thống của đồng bào Tày bản địa. Thứ hai là để mời các Nàng Hai – tức các con gái của Mẹ Trăng ở trên trời xuống thăm trần gian và giúp dân làng làm ăn, giúp cho mưa thuận gió hòa, nhân khang, vật thịnh. Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa, lễ hội Nàng Hai thực sự là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc sắc của người Tày nói chung và của cộng đồng người Tày ở xóm Hợp Thành, xã Tiên thành nói riêng. Vì vậy, năm 2017, lễ hội Nàng Hai của người Tày xã Tiên Thành đã vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Đây cũng là một trong những lễ hội đầu tiên được tổ chức đánh dấu sự mở cửa trở lại của du lịch Cao Bằng và đã thu hút được khá đông du khách đến tham quan và trải nghiệm.

Bạn Nguyễn Thu Trang – đến từ thành phố Cao Bằng chia sẻ: qua tìm hiểu từ các nguồn thông tin trên mạng xã hội em được biết đây là một lễ hội phản ánh tục thờ mẹ thông qua nghi lễ đặc trưng là xuất nhập hồn – một hiện tượng shaman giáo của tín ngưỡng nguyên thủy. Do đó, em rất muốn nghiên cứu sâu hơn về lễ hội để phục vụ cho khóa luận tốt nghiệp của mình.

Màn giao lưu hát lượn giữa hai nàng tiên và mụ nàng, mụ nọi – mang màu sắc của tín ngưỡng nguyên thủy

Theo ông Nguyễn Thanh Hải – du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh, lần đầu tiên được tham dự lễ hội cổ truyền - với màn diễn xướng dân gian tập thể của dân tộc Tày ở xóm Hợp Thành, nên bản thân ông rất tò mò và mong muốn tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống, tín ngưỡng của người dân bản địa cũng như quá trình lịch sử của các triều đại phong kiến Việt Nam, như: nhà Lê, nhà Mạc gắn với lễ hội.

Còn đối với chị Lương Thị Phương (xóm Hợp Thành) chia sẻ: là một người dân địa phương từng được chọn để đảm nhiệm vai nàng Cường trong hai mùa lễ hội liên tiếp, chị cảm thấy vô cùng vinh dự và tự hào khi được tin tưởng giao cho nhiệm vụ này. Trong hai mùa lễ hội, chị luôn cố gắng hết mình để không phụ sự tin tưởng của chính quyền và người dân địa phương cũng như mang đến cho du khách những trải nghiệm độc đáo về văn hóa nơi đây. Chị cũng mong muốn đóng góp một chút công sức nhỏ bé của mình để bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị truyền thống lễ hội Nàng Hai của xóm Hợp Thành.

Hình ảnh hai nàng tiên (nàng Cường và nàng Sở) trong màn hát Lượn

Có thể nói, lễ hội Nàng Hai từ lâu đã trở thành một di sản vô giá. Đồng thời, cảnh sắc thiên nhiên, những giá trị văn hóa truyền thống; sự nồng hậu và cuộc sống sinh hoạt, sản xuất bình dị của đồng bào dân tộc Tày nơi đây đã trở thành những tài nguyên vô giá thuận lợi cho việc phát triển du lịch của tỉnh Cao Bằng.

Một số hình ảnh về lễ hội Nàng Hai:

Các mụ nàng, mụ nọi chỉnh sửa trang phục tham gia lễ hội

Điệu múa của các mụ nàng, mụ nọi trong trại “mùng mềnh”

Các mụ nàng, mụ nọi rước lễ vật tiễn nàng tiên về trời

Nghi thức thả thuyền tiễn nàng tiên về trời

Tác giả: Xuân Quỳnh – Hoài Nam

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu