Phụ nữ Dao Tiền xóm Nà Chắn giữ gìn và phát triển nghề thêu thổ cẩm truyền thống

13/01/2021 976 0
Nếu nói về phụ nữ dân tộc Dao Tiền tỉnh Cao Bằng, du khách chắc hẳn sẽ không khỏi trầm trồ, ngưỡng mộ kỹ năng dệt, may và thêu nên những bộ trang phục truyền thống hay những tấm vải thổ cẩm của các bà, các chị. Với phụ nữ dân tộc Dao Tiền ở xóm Nà Chắn, xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, gìn giữ và phát triển nghề thêu thổ cẩm truyền thống đã trở thành nét đặc sắc trong đời sống văn hóa nơi đây.

Từ bao đời nay, nghề thêu hoa văn trên váy áo của người Dao Tiền chủ yếu do phụ nữ đảm nhiệm. Tại xóm Nà Chắn, xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, nhiều chị em phụ nữ Dao Tiền từ nhỏ đã được các bà, các mẹ dạy nghề thêu truyền thống của dân tộc. Từ năm 2012, nhóm thêu thổ cẩm truyền thống xóm Nà Chắn đã được thành lập. Đây là nơi để các chị em cùng nhau chia sẻ, trao truyền lại nghề truyền thống. Từ những tấm vải bông nhuộm chàm, đôi bàn tay khéo léo của chị em người Dao Tiền đã tạo ra những bộ trang phục truyền thống với nhiều hoa văn đẹp mắt, như: họa tiết hình học, cỏ cây, hoa lá, muông thú mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Những chiếc vỏ gối, khăn quàng cổ, khăn trải bàn, đồ lưu niệm được thêu hoa văn tinh xảo. Đặc biệt, với kĩ thuật in hoa văn bằng sáp ong, phụ nữ Dao Tiền đã tạo ra tấm thổ cẩm với các họa tiết trang trí rất độc đáo, mang bản sắc riêng.

Bà Đặng Thị Xuân, một trong những hội viên nhiều tuổi nhất trong nhóm chia sẻ: “Tôi biết thêu hoa văn dân tộc mình từ năm 10 tuổi, đến bây giờ là 41 năm rồi. Lúc ấy chỉ cần nhìn các bà, các mẹ là mình tự học và biết thêu thôi. Các mẫu thêu khi mới học chủ yếu là hoa văn trên trang phục truyền thống của người Dao. Phụ nữ dân tộc tôi đến khi đi lấy chồng phải tự thêu bộ trang phục cô dâu. Tôi thường thêu ở nhà vào lúc rảnh rỗi. Từ khi tham gia nhóm thêu, chúng tôi đến nhà văn hóa xóm cùng nhau trò chuyện, trao đổi, thêu, may trang phục và làm một số sản phẩm lưu niệm cho du khách. Giới trẻ bây giờ có nhiều cháu gái cũng thích thêu lắm, nhưng phải động viên các cháu hơn nữa.”

Một số sản phẩm lưu niệm bằng thổ cẩm của nhóm thêu (Ảnh: Lương Hằng)

Chị Chu Thị Huế, dân tộc Dao Tiền tham gia nhóm thêu thổ cầm truyền thống từ khi thành lập đến nay cho biết: “Học thêu vui lắm, tôi cũng là một trong những người đầu tiên tham gia nhóm thêu xóm Nà Chắn. Đa số phụ nữ ở đây đều biết thêu, in hoa văn bằng sáp ong và mong muốn truyền nghề lại cho thế hệ sau để lưu giữ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Từ khi có nhóm thêu, ngoài trang phục truyền thống, chúng tôi làm thêm nhiều sản phẩm lưu niệm khác như: khăn thổ cẩm, túi, gối, móc treo chìa khóa,... Mong rằng sẽ có nhiều đoàn khách đến quê hương chúng tôi trải nghiệm văn hóa và mua những sản phẩm lưu niệm này về làm quà, được như vậy thì chúng tôi phấn khởi lắm.”

Các sản phẩm thổ cẩm phong phú (Ảnh: Thu Thủy)

Không muốn bản sắc văn hóa của dân tộc mình bị mai một, các thành viên nhóm thêu Nà Chắn đã nỗ lực lưu giữ, phát triển nghề truyền thống bằng cách truyền dạy lại cho nhau và cho con cháu trong nhà. Các bà, các chị thường xuyên giảng giải về ý nghĩa của từng nét hoa văn, từng đường kim mũi chỉ, cách kết hợp màu sắc của các sợi len, sợi chỉ để làm nên nét hấp dẫn của bộ trang phục truyền thống.

Chị Triệu Thị Ním, chủ nhiệm nhóm thêu Nà Chắn cho biết: “Chúng tôi thành lập nhóm thêu thổ cẩm Nà Chắn để gìn giữ nghề truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời, tạo thu nhập cho chị em. Hiện nhóm gồm 15 hội viên. Để làm được sản phẩm tốt, các chị em phải cẩn thận lựa chọn vải bông sau đó đem về nhuộm chàm rồi mới thêu các hình hoa văn. Những bộ quần áo truyền thống và nhiều sản phẩm lưu niệm như: khăn, túi… phải tỉ mỉ, kiên nhẫn thêu thùa. Do hoàn toàn làm thủ công nên sản phẩm làm ra được khách du lịch rất thích nhưng lượng khách chưa ổn định. Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ để nhóm duy trì hoạt động lâu dài”.
 

Nhóm thêu Nà Chắn quảng bá sản phẩm tại Lễ hội Văn hoá thổ cẩm Việt Nam
lần thứ Hai năm 2020 (Ảnh: Vi Trần Thùy)

Lưu giữ nghề truyền thống là cách làm du lịch bền vững mà nhiều địa phương trong cả nước đang thực hiện. Nghề thêu thổ cẩm của dân tộc Dao Tiền nơi đây đã và đang có những bước đi phù hợp để thích ứng, tồn tại, phát triển. Tuy nhiên, để nghề truyền thống này phát triển hơn nữa, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền và các nhà đầu tư./.

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu