Độc đáo nghề làm ngói máng ở Lũng Rì

03/06/2023 386 0
Nghề làm ngói máng hay còn gọi là ngói âm dương ở xóm Lũng Rì, xã Tự Do, huyện Quảng Hòa được sản xuất hoàn toàn bằng phương pháp thủ công và có truyền thống từ lâu đời. Trải qua biết bao năm tháng, đến nay, nghề làm ngói máng vẫn tồn tại và khẳng định được vị trí riêng trên thị trường.

Di chuyển từ thành phố Cao Bằng theo hướng phía Đông khoảng hơn 30 km, du khách sẽ đến xóm Lũng Rì - nơi vẫn còn lưu giữ, bảo tồn và phát huy nghề làm ngói máng truyền thống. Trong xóm có 81 hộ dân và 100% đều là đồng bào dân tộc Nùng. Hiện, có 21/81 hộ vẫn còn theo nghề làm ngói. Các mẻ ngói ra đời ở đây được làm thủ công rất cẩn thận, màu sắc đẹp, dùng lợp mái nhà rất thoáng mát.

Để làm ngói máng phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, anh Lục Văn Tuấn ở Lũng Rì chia sẻ: Nguyên liệu chính để làm ngói là đất, nhưng là ba loại đất khác nhau được trộn theo tỉ lệ. Để trộn đất, người thợ sẽ lấy đủ lượng nước xuống hố trộn ngâm. Cho đến khi đất tan ra và dùng sức trâu nhào đất. Công đoạn nhào đất liên tục từ 5 đến 6 ngày, hai lần/ ngày vào buổi sáng và chiều.

Công đoạn nhào đất làm ngói máng ở xóm Lũng Rì.

Khi đất được nhào đảm bảo đủ độ dẻo, người thợ chuyển đất từ hố lên đắp thành khối hình trụ, quá trình chuyển đất tiến hành công đoạn tỉ mỉ và quan trọng nhất, đó là lọc những hạt sạn tạp chất từ đất thông qua việc dùng dụng cụ có căng một đoạn dây để xẻ từng lớp đất đặc ra và nhặt tạp chất.

Đất đã lọc sạch được chất thành khối hình chữ nhật và phủ ni lông kín để giữ ẩm. Ở công đoạn tạo hình, đất được xẻ từ khối hình chữ nhật với độ dày chừng 1cm. Sau đó, đưa lên khuôn gỗ, người thợ nhẹ nhàng miết đất với một chút nước theo khuôn gỗ cho đều và mịn.

Anh Lục Văn Tuấn đang tạo hình cho những viên ngói máng theo khuôn gỗ

Khuôn gỗ làm ngói máng được đặt trên 1 bệ xoay, có hình tròn với đường kính khoảng 25cm. Bên ngoài lớp gỗ được thiết kế thêm 1 lớp vải có tác dụng tách không cho đất dính trực tiếp vào gỗ. Trên thân khuôn cũng có 4 điểm gờ để mỗi lần đưa đất vào khuôn có thể làm được 4 viên ngói cùng một lúc.

Sau khi được tạo hình, ngói được đem phơi trên một lớp trấu mỏng để không bị dính xuống nền đất. Ngói được phơi khô và tách ra từng viên đem vào lò nung.

Điểm gờ trên khuôn tạo rãnh mỏng để khi đất khô có thể tách rời thành từng viên ngói

Công đoạn nung trong lò để tạo nên ngói máng thành phẩm

Công đoạn nung ngói cũng đòi hỏi yếu tố kỹ thuật rất cao. Người thợ xếp ngói vào lò và nung từ 6 đến 8 ngày đêm với lượng lửa cháy đều, liên tục. Ngọn lửa phải đảm bảo không cháy quá mạnh hoặc quá yếu, bởi nhiệt độ trong lò sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng mẻ ngói thành phẩm. Tiếp đến, lò nung được bịt miệng trong vòng 4 ngày đêm để ủ nhiệt. Sau đó, lò lại được mở cho nhiệt tỏa ra chừng 5 ngày. Khi lò đã nguội hoàn toàn, mẻ ngói thành phẩm được ra lò, kết thúc quy trình sản xuất ngói.

Sản phẩm ngói máng Lũng Rì được người thợ dỡ ra khỏi lò nung

Những ngôi nhà được lợp bằng ngói máng là hình ảnh thường thấy ở miền Non nước Cao Bằng. nh: Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nguyên Bình

Sản phẩm ngói máng Lũng Rì có hình thức đẹp, chất lượng bền và chắc chắn. Khi dùng ngói lợp mái nhà tạo sự thoáng mát và tăng thêm giá trị thẩm mĩ. Ngày nay, ngói máng Lũng Rì không những được người dân trong tỉnh tin tưởng sử dụng mà còn bán ra nhiều tỉnh thành như: Hải Phòng, Hà Giang, Nam Định, Bắc Kạn… Với chất lượng vốn có, ngói máng Lũng Rì đã và đang khẳng định được thương hiệu riêng trên thị trường trong nước. Hứa hẹn, sự phát triển của nghề làm ngói máng sẽ làm tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân địa phương.

Tác giả bài viết: Xuân Quỳnh

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu