Khơi dậy, tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số

07/06/2023 458 0
Theo số liệu Tổng điều tra dân số năm 2019, dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 95% dân số toàn tỉnh, trong đó dân tộc Tày 40,83%, Nùng 29,81%, Mông 11,65%, Dao 10,36%, Sán Chỉ 1,49%, Lô Lô 0,54%. Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện nhiều hoạt động nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục nhằm khơi dậy mạnh mẽ, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS.

Các lễ hội được tổ chức nhằm tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số. Ảnh: Thế Vĩnh

Xác định bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác nghiên cứu khoa học, các cấp ủy Đảng, chính quyền nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS, tiến hành nghiên cứu văn hóa bài bản, có hệ thống để làm luận cứ cho xây dựng chiến lược phát triển văn hóa của tỉnh một cách phù hợp, từ đó các di sản văn hóa được bảo tồn và phát triển, phát huy được tác dụng trong công tác giáo dục truyền thống tốt đẹp các DTTS. 

Theo Sở Khoa học và Công nghệ, qua nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, có nhiều cá nhân, gia đình, dòng họ trong tỉnh nêu cao ý thức giữ gìn vốn văn hóa truyền thống dưới nhiều hình thức như: sưu tầm, lưu giữ các làn điệu dân ca, dân vũ, dạy chữ dân tộc, sáng tác các tác phẩm bằng tiếng địa phương... Từ đó, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, nhân dân trong và ngoài tỉnh biết nhiều hơn và quan tâm hơn đến truyền thống văn hóa đặc sắc, đa dạng của các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Thông qua các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của tỉnh và các hoạt động của cơ quan quản lý văn hóa, nhiều hoạt động nghiên cứu với sự tham gia của nhà khoa học, nhà nghiên cứu dân tộc học, các nội dung về văn hóa dân tộc Tày - Nùng, Mông - Dao, các lễ hội truyền thống, di tích lịch sử, tín ngưỡng, ẩm thực, nghề cổ truyền, văn nghệ dân gian, chợ hội vùng cao, làng bản cổ, các tác phẩm văn học, các trang phục truyền thống của đồng bào các DTTS được quan tâm khảo sát, nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp một cách khoa học, khách quan. 

Các nghiên cứu về đặc điểm sinh thái nhân văn của cộng đồng, các giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS nhằm đảm bảo sự phát triển hài hòa đi đôi với giữ gìn bản sắc dân tộc cũng được quan tâm. Trong những năm gần đây, vấn đề về phát triển du lịch cộng đồng gắn với phục dựng văn hóa dân tộc đang được đẩy mạnh triển khai. Các kết quả nghiên cứu khoa học về văn hóa dân tộc cung cấp các luận cứ, giải pháp để các cơ quan quản lý xây dựng các chính sách (chương trình, kế hoạch, đề án) về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trên địa bản tỉnh như các đề tài “Phục hồi, bảo tồn di sản văn hóa Dá Hai Thông Huề, xã Đoài Dương, huyện Trùng Khánh”, “Nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tộc người Lô Lô Đen tỉnh Cao Bằng”... 

Với mục đích đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần cho nhân dân các DTTS trong tỉnh, phục vụ nhiệm vụ chính trị và trở thành nguồn lực, động lực xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch, Ủy ban MTTQ tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với nhiệm vụ bảo tồn, phát huy văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh bằng các hoạt động phong phú, đa dạng; tuyên truyền, vận động và thực hiện có trọng tâm, trọng điểm theo từng nội dung và hình thức phù hợp.

Người Mông đen thôn Ka Liệng, xã Thụy Hùng (Thạch An) duy trì thêu trang phục truyền thống.

Chị Trần Thị Ngoan, dân tộc Tày, xã Bế Văn Đàn (Quảng Hòa) cho biết: Các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ có từ lâu nhưng phong trào hát Lượn phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây khi người dân được tuyên truyền về bảo tồn văn hóa truyền thống các DTTS, từ đó nâng cao đời sống tinh thần, đoàn kết xây dựng nông thôn mới.

Đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), nhiệm vụ giáo dục văn hóa DTTS càng có ý nghĩa quan trọng, bởi đó là nơi tạo nguồn cán bộ DTTS cho các địa phương. Trên địa bàn tỉnh hiện có 1 trường PTDTNT tỉnh cấp THPT (quy mô hằng năm 400 học sinh) và 12 trường PTDTNT huyện cấp THCS với tổng số hơn 2.700 học sinh. Các trường PTDTNT đặc biệt quan tâm hoạt động giáo dục văn hóa truyền thống gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả Để án số 19-ĐA/TU của Tỉnh ủy về đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống trên quê hương cách mạng Cao Bằng giai đoạn 2019 - 2025.

Em Hoàng Hồng Hạnh (dân tộc Dao, quê ở xã Vũ Minh, Nguyên Bình), học sinh Trường PTDTNT tỉnh chia sẻ: Qua các hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc, chúng em được trang bị những kiến thức cơ bản, những hiểu biết về vốn văn hóa truyền thống của các DTTS để khi trở về địa phương sẽ tuyên truyền, vận động gia đình, cộng đồng chung tay giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống; giới thiệu, quảng bá nét đẹp dân tộc, quê hương mình.

Các trường PTDTNT lồng ghép nội dung giáo dục văn hóa DTTS trong các buổi sinh hoạt tập thể; duy trì việc học sinh mặc trang phục dân tộc truyền thống trong các hoạt động quan trọng ở trường, như: chào cờ sáng thứ Hai đầu tuần, ngày lễ, ngày hội, ngoại khóa... Tổ chức dạy học lồng ghép, tích hợp trong các môn học có liên quan như: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân... nội dung về văn hóa DTTS. Hầu hết các trường PTDTNT thành lập và duy trì câu lạc bộ văn nghệ nhà trường, chú trọng việc luyện tập, biểu diễn, giới thiệu các làn điệu dân ca như hát Then, múa Chầu... Hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo phát động, hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai hướng dẫn học sinh tham gia Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học ở các trường phổ thông. Trong nhiều năm qua, các trường PTDTNT có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa truyền thống của các DTTS ở Cao Bằng. Các dự án dự thi góp phần tuyên truyền, giáo dục, quảng bá văn hóa truyền thống của các DTTS trong các trường nội trú nói riêng và trong ngành giáo dục nói chung, từ đó đưa các nét đẹp văn hóa DTTS đến gần hơn với thế hệ trẻ.   

Nguồn tin: baocaobang.vn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu