Họp Ban Giám khảo, Tổ Nội dung - Thư ký, Tổ giúp việc Cuộc thi “Bảo tồn tiếng dân tộc Tày, Nùng cho học sinh Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông trong vùng Công viên địa chất Non nước Cao Bằng”

24/04/2025 95 0
Ngày 23/4, Ban Giám khảo, Tổ Nội dung - Thư ký, Tổ giúp việc Cuộc thi “Bảo tồn tiếng dân tộc Tày, Nùng cho học sinh Trung học Cơ sở (THCS) và Trung học Phổ thông (THPT) trong vùng Công viên địa chất (CVĐC) Non nước Cao Bằng" họp thống nhất một số nội dung quan trọng liên quan đến công tác tổ chức Cuộc thi.

Toàn cảnh cuộc họp.

Cuộc thi gồm 3 vòng: Vòng sơ khảo xét hồ sơ từ ngày 28 - 29/4/2025, thông báo kết quả vào ngày 05/5/2025. Vòng bán kết dự kiến diễn ra vào ngày 20/5/2025. Vòng chung kết dự kiến diễn ra vào ngày 29/5/2025.

Đối tượng dự thi là thành viên Câu lạc bộ “Cùng em khám phá CVĐC” của các trường THCS và THPT trên địa bàn thành phố Cao Bằng và các huyện: Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hạ Lang, Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình, Thạch An (các đơn vị trường nằm trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng).

Nội dung thi gồm: Báo cáo kết quả thực hiện hoạt động về bảo tồn tiếng dân tộc trong trường học thông qua mô hình Câu lạc bộ “Cùng em khám phá CVĐC”; Tuyên truyền và quảng bá các giá trị nổi bật về địa chất, văn hóa - lịch sử, đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên và các điểm du lịch trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng bằng tiếng nói dân tộc Tày, Nùng; Lan tỏa thông điệp ý nghĩa về trách nhiệm trong công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản CVĐC. 

Ông Lê Chí Thanh, Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin, Chủ tịch Hội bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Cao Bằng phát biểu tại cuộc họp.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Giám khảo, Tổ Nội dung - Thư ký, Tổ Giúp việc Cuộc thi đã cùng trao đổi, thảo luận về dự thảo Tiêu chí Cuộc thi; Bộ câu hỏi Cuộc thi; thang điểm, phương thức chấm thi, cơ cấu giải thưởng... và các nội dung liên quan nhằm đảm bảo tổ chức Cuộc thi hiệu quả, khoa học, bám sát kế hoạch và mục tiêu đề ra.

Cuộc thi hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo tồn ngôn ngữ dân tộc và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống; đồng thời, góp phần đa dạng hóa hình thức giáo dục về CVĐC Non nước Cao Bằng trong nhà trường. Đây là sân chơi bổ ích, giúp học sinh giao lưu, học hỏi, rèn luyện kỹ năng mềm, phát huy năng lực cá nhân và lan tỏa thông điệp mạnh mẽ về bảo tồn ngôn ngữ dân tộc, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc của CVĐC Non nước Cao Bằng.

Tác giả bài viết: Lương Thảo

Related Post

Sample Plan