28/08/2020 28/10/2020
1537 0
Cùng dự buổi làm việc có các thành viên trong Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh; lãnh đạo Sở VHTTDL, đại diện lãnh đạo các phòng, đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Sở; các chuyên viên phòng Quản lý du lịch và đại diện một số đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh.
Buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh và Sở VHTTDL.
Tại buổi làm việc, các đại biểu được nghe báo cáo việc triển khai, thực hiện Luật du lịch và kết quả thực hiện triển khai đầu tư về du lịch trên địa bàn tỉnh Cao Bằng năm 2019 - 2020. Báo cáo nhận định: Cao Bằng là tỉnh có bề dày lịch sử, văn hóa cùng nhiều danh lam thắng cảnh có tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch. Toàn tỉnh hiện có 214 di tích, với 92 di tích đã được xếp hạng, trong đó có: 03 di tích quốc gia đặc biệt, 23 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 66 di tích xếp hạng cấp tỉnh, với 02 bảo vật quốc gia và hơn 130 điểm di sản có giá trị; nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt tác như: Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao; quần thể hồ Thang Hen; vườn Quốc gia Phia Oắc - Phia Đén... Ngoài ra, Cao Bằng còn có nhiều làng nghề truyền thống, các lễ hội văn hóa, nghi lễ đặc sắc của các dân tộc; có đường biên giới dài giáp với Trung Quốc, nhiều cặp cửa khẩu, nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp vùng biên cũng là tiềm năng lớn cho phát triển du lịch nội địa và quốc tế.
Công viên địa chất Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào năm 2018, với nhiều điểm di sản có giá trị tầm cỡ quốc tế đã có những đóng góp tích cực cho ngành du lịch Cao Bằng, tăng cường hiệu ứng quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch của tỉnh.
Hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch cơ bản đã được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch. Nhiều dự án tại các khu du lịch trọng điểm đã triển khai hoàn thành.
Về cơ sở lưu trú du lịch, đến nay trên địa bàn tỉnh có 260 cơ sở; trong đó: 01 cơ sở đạt tiêu chuẩn khách sạn 3 sao; 21 cơ sở đạt tiêu chuẩn khách sạn 2 sao, 51 cơ sở đạt tiêu chuẩn khách sạn 1 sao; số còn lại là khách sạn đạt chuẩn, nhà nghỉ và homestay.
Du lịch Cao Bằng giai đoạn 2016 - 2020 có những chuyển biến tích cực, cơ bản đạt mục tiêu đề ra, với nhiều kết quả nổi bật: Lượng khách, doanh thu du lịch tăng hàng năm và đột biến vào năm 2018, tốc độ tăng trưởng du lịch cao. Hoạt động quản lý Nhà nước về du lịch cũng như kinh doanh dịch vụ du lịch đã có sự thay đổi theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng. Sản phẩm du lịch dần được định hình và đầu tư nhiều sản phẩm du lịch mới, độc đáo, cơ bản đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, cộng đồng về vai trò cũng như trách nhiệm với du lịch cũng chuyển biến rõ rệt.
Luật Du lịch số 09/2017/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội và các văn bản hướng dẫn được xây dựng khá đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, về cơ bản đã thể hiện được tinh thần của Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị, với mục tiêu phấn đấu du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn; lấy khách du lịch làm trung tâm của mọi hoạt động du lịch; nhiều nội dung liên quan đã được điều chỉnh, bổ sung để bảo đảm an ninh, an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp của khách du lịch; phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan ở Trung ương và chính quyền các cấp ở địa phương; từ đó có quy định tạo hành lang pháp lý thông thoáng để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch phát triển đã và đang được tổ chức thực hiện có hiệu quả tại Cao Bằng.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, ngành Du lịch tỉnh còn có những khó khăn hạn chế như: Kinh phí đầu tư của Trung ương và địa phương cho phát triển du lịch còn hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu phát huy tiềm năng thế mạnh du lịch địa phương. Các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, vận chuyển khách du lịch, cơ sở lưu trú, mua sắm du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn còn ít và hạn chế về năng lực; chưa có điểm vui chơi, giải trí đạt chuẩn dành cho khách du lịch. Một số đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch chưa quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng nhân lực nên chất lượng phục vụ chưa cao, chưa xây dựng được đội ngũ quản lý và thực hiện công tác tuyên truyền về du lịch ở cơ sở…
Từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động du lịch chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Kết quả kinh doanh du lịch 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 240.000 lượt khách, giảm 68% so với cùng kỳ. Doanh thu ước đạt 30 tỷ đồng, giảm 85,6% so với cùng kỳ.
Dự buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, đề xuất ý kiến với Đoàn giám sát. Các ý kiến, kiến nghị của Sở và đại biểu tập trung vào một số vấn đề như: Chính phủ ưu tiên cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển du lịch cho vùng khó khăn, vùng biên giới. Đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, điểm du lịch trọng điểm; xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông trọng điểm phục vụ phát triển du lịch. Tạo điều kiện về hợp tác phát triển du lịch biên giới. Kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu bổ sung quy định, hướng dẫn phương pháp thống kê khách du lịch, tổng thu xã hội du lịch; hỗ trợ thực hiện các hoạt động về xúc tiến, đào tạo nguồn nhân lực du lịch... Cấp tỉnh tăng cường kinh phí cho công tác tuyên truyền, quảng bá, phổ biến giáo dục pháp luật về du lịch, nâng cao nhận thức của cộng đồng về ngành kinh tế du lịch; quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch; tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Hà Ngọc Giáp, Trưởng Đoàn giám sát đã ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác phát triển du lịch của Sở VHTTDL những năm qua. Trong điều kiện tỉnh còn nhiều khó khăn, thiếu nguồn lực tài chính nhưng Sở VHTTDL đã cố gắng hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu, kế hoạch giao, tăng trưởng về du lịch năm sau cao hơn năm trước. Đồng chí Hà Ngọc Giáp đề nghị Sở VHTTDL thời gian tới tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo UBND, HĐND tỉnh. Tiếp tục đầu tư nguồn nhân lực cho du lịch, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm công tác du lịch.
Những kiến nghị của Sở thuộc cấp bộ, ngành, tỉnh, Đoàn giám sát tiếp thu và trình lên các cấp, ngành có thẩm quyền xem xét, giải quyết./.
Hoài Nam