“THỦ PHỦ” LÀNG NGHỀ THỦ CÔNG MIỀN SƠN CƯỚC
Bằng sự cần cù, khéo léo và sáng tạo, người Tày, Nùng ở Quảng Uyên đã gắn bó, phát triển nhiều nghề thủ công truyền thống: rèn nông cụ, làm hương, làm ngói, nhuộm vải chàm, dệt vải, tạo sự hưng thịnh và trở thành vùng nông thôn điển hình. Theo quốc lộ 3, đoạn qua xóm Pác Rằng, các cửa hàng bán dao, búa, các sản phẩm nông cụ kéo dài khoảng 1 km, kèm theo đó là những tiếng đập búa leng keng vang ra từ các lò rèn thủ công đỏ lửa. Hàng trăm năm nay, ngày ngày, những tiếng rèn dao, búa vẫn đều đều vang lên. Kỹ thuật rèn nông cụ ở đây đã phát triển lên đến một đỉnh cao với sự truyền thụ của nhiều đời nghệ nhân có tay nghề cao, tinh tế. Các thợ rèn đều tuân thủ theo một quy trình từ khâu chọn nguyên liệu đến kỹ thuật đốt lửa, quai búa… cộng với bí quyết riêng để tạo nên những sản phẩm nông cụ bền, đẹp, được người tiêu dùng ưa chuộng. Anh Nông Lưu Luyến, 48 tuổi, ở xóm Pác Rằng, xã Phúc Sen - người có kinh nghiệm hơn 20 năm làm rèn đang sở hữu một cửa hàng bán các mặt hàng rèn nông cụ cho biết: Hiện cả xã có 6/10 xóm với 157 hộ làm nghề rèn, trong đó có 358 thợ lành nghề và hàng trăm thợ phụ, mỗi năm sản xuất hàng trăm nghìn sản phẩm nông cụ các loại.
Không chỉ vậy, đi sâu vào trong xóm Pác Rằng với con đường nhỏ được bê tông hóa còn có nhiều lò rèn bên dưới những mái nhà sàn truyền thống. Đó là nghề của đàn ông nơi đây, còn nghề của phụ nữ lại quanh quẩn bên khung cửi tay thoi, tay quay dệt vải, nhuộm chàm để làm những bộ trang phục truyền thống. Xóm Khào A, Khào B, Phja Chang, xã Phúc Sen yên bình dưới những chân núi xanh mướt là nơi cư ngụ của đồng bào Nùng An nên du khách khi chạm chân đến đầu xóm đã thấy những ngôi nhà sàn thấp thoáng. Đón chúng tôi ở chín bậc cầu thang là các chị em của tổ làng nghề thổ cẩm xóm Khào A, Khào B. Đang mùa tăng gia sản xuất, trồng vụ màu nhưng nghe nói có khách phương xa tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm, chị em vui lắm, ai cũng cố gắng sắp xếp công việc, thời gian để có cơ hội giới thiệu về quê hương mình. “Chị em trong tổ dệt thổ cẩm mong muốn lưu giữ giá trị truyền thống, người biết nhiều chỉ cho người chưa biết, thêu chưa đẹp thì học cho đẹp hơn…” - chị Lương Thị Nhất, thành viên của tổ nói với chúng tôi trong khi đôi tay vẫn lươn lướt dệt những mảnh vải chàm. Có lẽ chị Nhất khiêm tốn bởi nhìn những đôi tay thoăn thoắt để làm nên những tấm vải chàm màu xanh cũng đủ biết sự tinh tế của những người phụ nữ lưu giữ nghề truyền thống.
Ngược dòng thời gian, theo phong tục của đa số người dân tộc Tày, Nùng, người con gái khi về nhà chồng phải mang theo nhiều chăn, gối, đệm, bởi vậy mà ngay từ khi còn nhỏ, các em gái đã được người lớn tuổi truyền dạy nghề dệt, thêu thổ cẩm bằng những loại nguyên liệu sẵn có từ thiên nhiên... Cũng từ đó mà việc dệt thổ cẩm, thêu thùa trở thành “thước đo” đánh giá sự khéo léo, một phần phẩm hạnh của phụ nữ và là tiêu chí quan trọng khi nam thanh niên tìm bạn đời. Giờ đây, khi thị trường hàng may mặc hầu hết là sản xuất công nghiệp và luôn có sẵn trên thị trường, đa phần phụ nữ không còn kẽo kẹt thoi đưa bên khung cửi ngày đêm, lớp trẻ vì thế cũng mai một nghề truyền thống. Đau đáu nghề xưa với nỗi lo bản sắc văn hóa của dân tộc bị mai một, một số chị em ở Phúc Sen đã thành lập tổ làng nghề thổ cẩm ở xóm Khào A, Khào B.
Nghề rèn truyền thống tại xã Phúc Sen (Quảng Uyên).
Ban đầu, tổ chỉ có vài người, chủ yếu là người lớn tuổi, đến nay tổ có gần chục người, trong đó có nhiều người trẻ. Người biết dạy người chưa biết, đến nay tất cả chị em tham gia mô hình đã biết các kỹ năng dệt cơ bản. Chị Nông Thị Thu tâm sự: Ngày bé, mỗi lần mẹ se sợi dệt thổ cẩm, tôi đều tò mò làm theo, nhưng để thành thạo các công đoạn thì không dễ. Ví như trước khi lên khuôn để đưa thoi dệt, cần dàn sợi dọc, cài go tạo hoa văn. Đây là khâu rất quan trọng quyết định sự chuẩn xác và độ đẹp của tấm thổ cẩm và cũng rất khó làm. Từ khi vào tổ làm cùng các cô, các chị, tôi được chỉ dạy nên đã làm thuần thục.
Phúc Sen đang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong hành trình khám phá bản làng. Nhuộm chàm giờ không chỉ là sản phẩm dùng trong gia đình mà còn trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương. Chủ tịch UBND xã Phúc Sen Nông Thị Dung cho biết: Trong tương lai không xa, chúng tôi sẽ phát triển mở rộng mô hình làng nghề bởi đây không chỉ là nơi lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc, mà còn trở thành nơi giúp chị em phát triển nghề hàng hóa, đem lại thu nhập bền vững cho gia đình.
GÌN GIỮ CHO MUÔN ĐỜI SAU
Không chỉ nổi tiếng với những làng nghề, trong đời sống tinh thần của bà con nơi đây có tiếng đàn tính, những làn điệu hát Then, Hà Lều. Các làn điệu dân ca được phổ biến của dân tộc Tày, Nùng thường được hát trong các cuộc vui, đám cưới hỏi, chúc thọ, mừng tân gia, cầu mùa và hát giao duyên trong các lễ hội, chợ phiên... Đặc sắc trong đó có thể nói đến làn điệu Hèo Phươn có từ lâu đời, mang đậm bản sắc dân tộc. Đây là điệu hát giao duyên, thường dùng trong thể đối đáp giữa nam và nữ. Lời Hèo Phươn theo thể cổ phong, lối thơ không quá khắt khe với niêm luật mà chủ yếu là ý tứ đậm đà đằm thắm. Hèo Phươn mượt mà, sâu lắng, thiết tha gọi mời, luôn được bay vút lên, trải dài miên man theo đồi núi, làm đẹp bản làng trong các lễ hội, đám cưới, ngày chợ hội, chúc thọ, hát giao duyên, mừng nhà mới, cầu mùa... Sinh ra tại xóm Phja Chang dưới, từ nhỏ ông Lương Văn Thịnh đã gắn bó với những làn điệu Hèo Phươn. Đến năm 10 tuổi, ông đi cùng các anh, các chị lớn trong xóm nghe hát và học nhẩm theo. Về nhà, ông được bố mẹ, các anh chị truyền dạy lại cách hát, kỹ thuật hát. Để hát Hèo Phươn hay thì người hát cần dựa vào vốn dân ca có sẵn và tùy hứng hát đối đáp lại cho thêm phần sinh động.
Phụ nữ xã Phúc Sen lưu giữ nghề nhuộm chàm, thêu hoa văn thổ cẩm truyền thống.
Hiện nay, để giữ gìn và lưu truyền làn điệu Hèo Phươn, những người đam mê hát Hèo Phươn tập hợp lại thành câu lạc bộ với 12 thành viên, có những cụ cao niên và cả những em thiếu niên. Họ là những nông dân gắn bó với cuộc sống ruộng vườn, nương rẫy, nhiều người đang có cuộc sống khó khăn, song điểm chung giữa họ là say mê làn điệu Hèo Phươn. Không có thù lao, không có hội trường, âm thanh, ánh sáng, chỉ có ấm nước chè xanh và khoảng sân đủ rộng là đã có thể trở thành sân khấu để những “nghệ nhân làng” say sưa hát, tập luyện và truyền lại làn điệu cho thế hệ trẻ. Đêm nào cũng vậy, kể cả trời mưa, các ông, các bà, các mẹ, các chị, các cháu lại tụ tập cùng nhau hát... Một số bài hát nổi tiếng, như: Khúc hát Thanh Minh, Mời rượu, Tháng Tư, Mùa thu, Mừng nhà mới, Mừng thọ, Mười hai con giáp… được truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Hơn 1 năm qua, tại sân của nhiều gia đình trong xóm Phja Chang dưới vang lên những điệu hát dân ca của các em thiếu nhi. Với niềm đam mê ca hát làn điệu của quê hương, em Hà Thị My, xóm Tẩư Đông đến tham gia ngay từ những buổi đầu. Dưới sự hướng dẫn tận tình của các thế hệ đi trước, My đã thuộc hơn 5 làn điệu Hèo Phươn. My vui vẻ nói: Em rất thích hát Hèo Phươn, từ nhỏ khi nghe các ông bà, cô chú hát, em đã yêu thích. Ban đầu chỉ học được những bài đơn giản nhưng nhờ chăm chỉ luyện tập và được sự hướng dẫn, bây giờ em đã học được nhiều bài hát Hèo Phươn.
Làn điệu Hèo Phươn là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Nùng An. Các đôi trai gái gửi gắm những điều mong muốn, khát vọng về tình yêu, về hạnh phúc, về cuộc sống tươi đẹp qua những câu hát. Có lẽ vì thế mà làn điệu Hèo Phươn sẽ còn được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Nguồn: Báo Cao Bằng