Hấp dẫn món chè sắn. |
Nếu bánh trôi là thứ khiến người ta phải nhớ, phải mê mỗi khi thu qua, đông tới, thì hương vị chè sắn lại gợi nên sự thích thú cho những thực khách sành ăn. Cách nấu chè sắn khá đơn giản với nguyên liệu dễ tìm, dễ mua mà giá cả lại rất bình dân, gồm có: củ sắn tươi, đường hoa mai hoặc đường phên, gừng, bột sắn dây và nước cốt dừa.
Sắn chọn củ mập, chắc đem về khía vòng quanh thân cho dễ bóc vỏ, cắt khúc, rửa sạch và đem ngâm nước muối khoảng 2 giờ để loại bỏ bớt độc tố. Trong thời gian ngâm, khi thấy nước đục nên thay nước mới để sắn ra sạch nhựa nhanh hơn. Rửa lại sắn với nước sạch vài lần sau đó cho vào nồi, thêm một chút muối, đổ nước ngập sắn luộc đến khi chín tới thì vớt ra.
Tách củ sắn làm đôi theo chiều dọc, bỏ xơ ở giữa và cắt thành từng miếng vuông nhỏ. Ướp sắn với đường 2 giờ cho ngấm, thêm khoảng 1 bát con nước rồi nấu sắn trên bếp vừa đến khi nước cạn và đường cô lại. Mục đích giúp đường ngấm và miếng sắn có độ dẻo hơn, khi nấu không bị vỡ nát.
Gừng tươi rửa sạch, một phần thái sợi, số còn lại giã nhỏ. Cho đường vào nồi đun đến khi đường nóng chảy ngả sang màu vàng mật thì đổ nước và gừng vào đun sôi, khuấy đều cho đường tan hoàn toàn. Tiếp theo cho sắn vào đun cùng, cho nhỏ lửa, nêm nếm lại tùy theo khẩu vị của từng người. Hòa lẫn bột sắn dây với một ít nước lọc rồi rưới từ từ bát nước bột vào nồi chè, khuấy nhẹ tay để bột hòa với chè đến khi sánh đặc lại, nồi chè sôi lục bục là được. Múc chè ra bát, rắc dừa sợi lên trên để tăng phần hấp dẫn. Nếu muốn vị béo hơn có thể thêm chút nước cốt dừa sẽ rất ngon miệng.
Chè sắn phải ăn thật nóng, vừa thổi vừa chầm chậm thưởng thức mới đúng kiểu. Từng miếng sắn dẻo quánh hòa với vị ngọt ngào, ăn đến đâu thực khách cảm thấy ấm lòng đến đó.
Nguồn: Báo Cao Bằng