Huyện Bảo Lạc phục dựng Lễ hội văn hóa dân tộc Lô Lô để thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng. |
Trên cơ sở chương trình, kế hoạch xây dựng, Sở VH,TT&DL đã tham mưu cho tỉnh tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ, lĩnh vực phát triển du lịch và thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Chú trọng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, kết hợp với xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
Theo Giám đốc Sở VH,TT&DL Sầm Việt An, năm 2019, Sở tích cực tham gia vào các hội chợ chuyên ngành du lịch tại các thành phố lớn trong nước, giới thiệu về văn hóa, du lịch của Cao Bằng tại Hội chợ du lịch Travex tỉnh Quảng Ninh (tháng 2/2019), Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội (tháng 4/2019), Ngày hội du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh (tháng 9/2019)… Triển khai nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn nhân dịp tỉnh tổ chức sự kiện Kỷ niệm 520 năm thành lập tỉnh Cao Bằng (1499 - 2019); tổ chức gian hàng quảng bá du lịch của 13 huyện, Thành phố tại Thành phố; khai trương tuyến phố đi bộ Kim Đồng và Chợ ẩm thực Thành phố; Lễ hội Du lịch thác Bản Giốc 2019 với đêm biểu diễn nghệ thuật nhạc nước đặc sắc, hoành tráng. Biểu diễn các hoạt động văn hóa, ẩm thực, văn nghệ, thể thao dân gian các dân tộc thiểu số trong Tuần VH,TT&DL diễn ra từ ngày 2 - 6/10/2019 thu hút trên 70.000 lượt khách tham dự.
Tỉnh đẩy mạnh quảng bá danh hiệu Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, tổ chức Hội thảo quốc tế về “Phát triển du lịch bền vững thông qua mô hình CVĐC Toàn cầu UNESCO” từ ngày 8 - 10/5/2019 thu hút nhiều chuyên gia, nhà khoa học, kinh tế từ hơn 12 quốc gia/6 châu lục tham gia tham luận về lĩnh vực quảng bá, khuyến khích doanh nghiệp, công ty, cá nhân đầu tư dịch vụ phát triển du lịch bền vững qua gìn giữ, phát huy giá trị di sản CVĐC gắn với bảo vệ thiên nhiên môi trường theo 3 tuyến của CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Đoàn Cao Bằng tham gia xúc tiến quảng bá du lịch tại Hội thảo quốc tế về giá trị di sản CVĐC tại Quảng Ngãi (từ ngày 15 - 22/6/2019).
Với những hoạt động trên đã thúc đẩy quảng bá ngày càng rộng rãi về hình ảnh miền non nước Cao Bằng đến với du khách trong nước và quốc tế. Ông MeleJonh, du khách nước Anh cho biết: Tôi rất yêu thích cảnh núi rừng hùng vĩ, khi xem thông tin du lịch trên mạng Internet, tôi được biết Việt Nam có tỉnh Cao Bằng và Hà Giang là 2 điểm CVĐC Toàn cầu UNESCO với những cao nguyên đá kỳ vĩ. Vì thế tôi đã dành gần một tuần đến trải nghiệm CVĐC Non nước Cao Bằng. Thật tuyệt vời vì cảnh đẹp hơn xem trên mạng Internet giới thiệu. Đặc biệt tôi rất thích ẩm thực vì ngon, hấp dẫn, độc đáo, con người thân thiện... Tôi sẽ trở lại nơi đây với thời gian dài hơn bởi còn nhiều nét văn hóa bản địa độc đáo để trải nghiệm.
Chuyên gia, nhà khoa học quốc tế đến trải nghiệm tuyến phía Tây “Miền đất của những đổi thay” huyện Nguyên Bình. |
Cùng với xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch Cao Bằng, Sở VH,TT&DL còn đẩy mạnh, định hướng, khuyến khích các doanh nghiệp, địa phương, hộ kinh doanh đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo ra sản phẩm độc đáo, đặc trưng của du lịch Cao Bằng. Từng bước phát triển hạ tầng dịch vụ du lịch nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, homestay cho du khách lưu trú; tôn tạo, tu bổ, tạo cảnh quan đẹp các Di tích Quốc gia đặc biệt: Pác Bó (Hà Quảng), rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình), Chiến thắng Biên giới năm 1950 (Thạch An); Khu du lịch thác Bản Giốc (Trùng Khánh), Núi Mắt thần (Trà Lĩnh)…
Mở rộng các điểm du lịch cộng đồng trong đồng bào dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Lô Lô tại bản làng có cảnh quan núi non hùng vĩ… Phục dựng, nâng cấp các lễ hội dân gian đặc sắc đồng bào dân tộc thiểu số, bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân gian hát Then, Sli, Lượn, Dá Hai, Hà Lều, khèn Mông, khèn lá, hát giao duyên; các trò chơi dân gian đánh sảng, ném pao, giã gạo, đi cà kheo… thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm trong các dịp lễ hội…
Ngoài ra, Sở VH,TT&DL ban hành kế hoạch và phát động cuộc thi Sáng tạo ý tưởng, sản phẩm du lịch tỉnh Cao Bằng năm 2019, khơi dậy các ý tưởng, tiềm năng sáng tạo của các tổ chức, cá nhân trong tỉnh và cả nước đã góp phần đẩy mạnh sáng tác, thiết kế mẫu mã sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng du lịch mang đậm nét văn hóa địa phương và nét đặc trưng về danh lam thắng cảnh du lịch Cao Bằng. Các địa phương có nhiều sản phẩm du lịch về ẩm thực có các loại bánh nếp, thịt treo, lâm thổ sản quý, đồ thêu thổ cẩm, đan lát thủ công… là sản phẩm du lịch đặc sắc của Cao Bằng được khách du lịch ưa chuộng.
Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, lĩnh vực phù hợp với thực tiễn môi trường du lịch, năm 2019 thu hút 1,5 triệu lượt khách đến du lịch Cao Bằng; tăng 21,8% so với cùng kỳ. Công suất sử dụng phòng trên 65%; tổng thu du lịch ước đạt 470 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ.
Sở VH,TT&DL đã tham mưu xây dựng dự thảo Đề án “Cơ chế chính sách đặc thù phát triển Khu du lịch thác Bản Giốc” hợp tác phát triển du lịch lâu dài với Ủy ban điều phối Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) bước đầu đạt được những thỏa thuận để khai thác có hiệu quả dịch vụ tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Sở tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết “Chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng”.
Xây dựng dự thảo Kế hoạch thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng với yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”; Đề án tổng thể phát triển du lịch Cao Bằng trở thành thương hiệu du lịch miền núi của Việt Nam; triển khai Kế hoạch đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đến năm 2020. Tiếp tục phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch xây dựng dự thảo Đề án tổng thể phát triển du lịch Cao Bằng giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Nguồn: Báo Cao Bằng