Nét đẹp chợ phiên người Mông

13/01/2020 1605 0
Nghe danh đã từ lâu, nhưng hôm nay tôi mới có dịp được đi chợ Luầy - một phiên chợ nổi tiếng ở xã Thạch Lâm (Bảo Lâm) vào một ngày đầu tháng Chạp để khám phá nét đẹp của chợ phiên người Mông.
Một góc chợ Luầy, xã Thạch Lâm (Bảo Lâm).

Chợ Luầy diễn ra 6 ngày một phiên. Giống như chợ bò xã Vĩnh Quang, chợ Luầy có nét đặc sắc riêng là rất đông đúc, tấp nập, chủ yếu là người Mông, số ít là người Tày, Nùng đi chơi chợ, còn một số người miền xuôi đến bán các loại mặt hàng quần áo, giày dép, nhu yếu phẩm...

Chúng tôi đến chợ Luầy lúc 7 giờ 30, từ xa đã thấy những bóng váy xập xòe sặc sỡ sắc màu của phụ nữ Mông. Thời tiết hôm nay ấm áp nên chợ càng đông vui, tấp nập. Chợ Luầy có hai tầng, tầng 1 bày bán các loại quần áo do người miền xuôi bán, khu này tập trung nhiều nam, nữ thanh niên, học sinh tìm mua quần áo mùa đông.

Tiếp đó, chúng tôi leo mười mấy bậc thang cũ kỹ bùn rêu lên tầng 2, tầng này toàn các lều gỗ được dựng từ rất lâu, có những lều gỗ đã bị cong vênh, mái lợp chắp vá nhiều mảnh. Tầng 2 chủ yếu bày bán váy áo Mông rực rỡ sắc màu; người bán hàng cũng là các chàng trai, cô gái người Mông xinh tươi, có tài ăn nói khéo léo. Chị em tôi nắm chặt tay nhau len lỏi qua các sạp hàng, choáng ngợp trước sắc màu váy áo, vẻ đẹp xinh tươi, thơ ngây của những thiếu nữ đang chọn váy. Họ đang chuẩn bị những bộ váy mới để đón xuân và mặc trong ngày hội ném pao của tháng Giêng.

Thử một bộ váy mất khá nhiều thời gian, nhưng chủ hàng luôn xởi lởi, nhiệt tình và giúp khách quàng, thắt, cài đai, đội mũ…; có những cô nàng “đỏng đảnh” chỉ mặc váy và đưa điện thoại lên “seo phì” xong lại cởi ra, xì xào vài câu gì đó rồi đặt xuống không mua. Song chủ hàng vẫn cười tươi, đâu đâu cũng rộn rã tiếng cười làm tôi thấy mình quên đi những âu lo, phiền muộn và cảm giác đi chợ phiên của tuổi thơ lại ùa về trong tâm trí...

Bên cạnh đó, có một góc chợ Luầy bày bán bò và các loài vật nuôi khác quen thuộc của người Mông. Theo quan sát, có mấy chục thanh niên trên tay mỗi người ôm một con gà tre, họ đem ra chợ để chọi, so sắc xem gà của ai đẹp hơn, chọi giỏi hơn. Có vài người dắt theo chó con, lợn con buộc bằng dây thừng luồn qua nách, không rõ họ đem ra chợ bán hay chỉ dắt đi chơi vì không thấy họ chào mời mà chỉ ngồi lê la túm năm tụm ba, thi thoảng cầm chén rượu nâng lên, hạ xuống vui với bạn bè.

Cách đó không xa, một tốp phụ nữ ngồi trên mô đất trống uống rượu quay vòng, nói cười tít mắt, má đỏ au au. Cảnh tượng này trước đây tôi rất lấy làm lạ, sau này được đi chơi ở các bản Mông nhiều tôi mới hiểu những người phụ nữ ấy bình thường rất ít nói, họ chỉ cần mẫn lên nương làm rẫy, lầm lũi sinh con và làm việc nhà… Chỉ có dịp đi chơi chợ phiên, họ mới mượn chén rượu để gặp gỡ, giao lưu, vui vẻ với bạn bè và quên đi mọi lo toan của cuộc sống hằng ngày.

Mặt hàng quần áo luôn thu hút chị em lựa chọn.

Đi chợ chỉ để ăn một bát phở và ngắm váy Mông, những thiếu nữ Mông xinh tươi như nhành hoa rừng. Vãn chợ, chị em tôi ra về mà lòng cứ lâng lâng như một đứa trẻ lần đầu được đi hội, giống như ngôn ngữ của giới trẻ hay dùng hiện nay đó là cảm giác rất “phiêu”. Cả đêm tôi không ngủ được chỉ vì nghĩ lại không khí ngày chợ Luầy buổi sáng nay, mấy phiên chợ tới càng náo nhiệt, tấp nập hơn vì Tết Nguyên đán đã cận kề.

Những góc chợ Luầy sẽ phảng phất mùi rượu thơm phức dành cho đàn ông, váy áo sặc sỡ dành cho phụ nữ, trẻ nhỏ…; xa xa vang lên tiếng cười, nói của các nam thanh, nữ tú hò hẹn gặp lại nhau trong các lễ hội xuân khiến cho lòng ai cũng rạo rực, hồ hởi với một tâm thế đón mùa xuân mới tươi vui, khởi sắc, an lành...

Nguồn: Báo Cao Bằng

相关文章

样品计划