Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu Trung ương có đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, các Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên, Vụ Kế hoạch, Văn phòng các chương trình trọng điểm; lãnh đạo Viện quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, các đơn vị tham mưu, Ban chủ nhiệm đề tài; đại diện lãnh đạo các đơn vị phối hợp: Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, Bảo tàng Địa chất, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và các nhà khoa học tham gia đề tài. Tỉnh Cao Bằng có đại diện lãnh đạo và chuyên viên các sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Khoa học và Công nghệ; Tài nguyên và Môi trường; đại diện lãnh đạo UBND các huyện: Hòa An, Hà Quảng, Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hạ Lang, Thạch An, Nguyên Bình; đại diện Ban quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng, Ban quản lý các Di tích quốc gia đặc biệt, Vườn quốc gia Phja Oắc - Phja Đén.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe nhiều tham luận chuyên đề của đề tài nghiên cứu như: Đề xuất các giải pháp phát triển du lịch bền vững trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng; Giới thiệu một số thông tin chính của đề tài; Đánh giá tổng quan và cơ sở lý luận liên quan đến du lịch bền vững gắn với CVĐC toàn cầu; Các tuyến điều tra, khảo sát đánh giá thực trạng hoạt động du lịch Cao Bằng gắn với CVĐC; Khái quát về các di sản trong vùng CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; Tổng quan về quá trình xây dựng, phát triển CVĐC Non nước Cao Bằng gắn với phát triển du lịch bền vững.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học đã thảo luận, phân tích, đánh giá tổng quan và cơ sở lý luận liên quan đến du lịch bền vững gắn với CVĐC Toàn cầu; đánh giá về điều kiện tự nhiên, KT-XH của CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng gắn với phát triển du lịch bền vững; nội dung gắn kết phát triển du lịch bền vững với bảo tồn và phát huy giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa trong vùng CVĐC.
Đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển du lịch bền vững tỉnh Cao Bằng gắn với CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng” là đề tài cấp Bộ, được tiến hành trong thời gian 3 năm. Kết quả của đề tài sẽ được lựa chọn để xây dựng mô hình du lịch bền vững gắn với địa chất tỉnh Cao Bằng; xây dựng mô hình du lịch bền vững gắn với CVĐC tại xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Nghiên cứu định hướng cơ bản phát triển du lịch bền vững tỉnh Cao Bằng gắn với CVĐC theo các giai đoạn: Giai đoạn 2023- 2025 và tầm nhìn đến năm 2035; Giai đoạn 2025-2030 và tầm nhìn đến năm 2040.
Tác giả bài viết: Đàm Hiền - Ảnh: HT