Quang cảnh “Mỏ nước thần” nơi trông giữ kho báu
Một người dân xóm Lũng Sạng đang gọi ba cô gái dâng nước lên để bảo vệ kho báu
Phụ nữ dân tộc Nùng trong trang phục truyền thống
Mỏ nước thần, người dân địa phương gọi là “Mỏ Rằng Phặt” (Rằng: ổ, vũng, Phặt: sôi) nằm ẩn mình trong một thung lũng đá vôi xóm Lũng Sạng, xã Hồng Quang, huyện Quảng Hoà, nơi có đồng bào dân tộc Nùng sinh sống.
Dân gian truyền rằng, hang đá là nơi trú ngụ của ba cô gái “Sằm, Sỏi, Mỏi" với nhiệm vụ trông giữ kho vàng bạc được cất giấu trong hang. Ba cô là con gái của một gia đình giàu có trong làng, đương tuổi cập kê. Mặc dù có nhiều chàng trai đến hỏi, nhưng đều bị từ chối. Người cha vì muốn bảo vệ của cải của gia đình đã cất kho báu trong hang và cho ba cô vào đó rồi dặn khi có kẻ trộm đến thì dâng nước lên bịt khe đá để chặn lối vào hang. Vì vậy, mỗi khi có người báo động thì ba cô lại dâng nước lên.
Để gọi nước dâng lên người ta có thể vỗ mạnh tay, lấy đá, lấy cây đập mạnh vào trong lòng hang đồng thời hô to vài lần một câu thần chú: “Tý Sằm, Tý Sỏi, Tý Mỏi Rằng Phặt / Sặc Kim, Sặc Ngằn lố/ Bó áu nặm khảu mà/ Boong au ngằn léo lớ” (Cô Sằm, Cô Sỏi, Cô Mỏi Rằng Phặt, trộm vàng trộm bạc đến, không dâng nước lên/ kẻ trộm lấy vàng hết đấy). Sau khi gọi trong hang sẽ xuất hiện âm thanh róc rách, đồng thời nước tại hốc đá dần dần dâng lên.
Lượng nước ngầm ở Rằng Phặt rất sẵn, rất nhiều, mùa nào cũng có và điểm di sản này có lẽ nằm trong khu vực đá vôi karst với hệ thống sông hồ ngầm liên thông với nhau như hệ thống hồ Thăng Hen. Nguyên do mực nước dâng lên, hạ xuống khá lớn ở Rằng Phặt có thể là do hiện tượng cộng hưởng. Ta vẫn thường nghe chuyện ở các vùng miền núi, khi hô lên một tiếng thì từ các vách núi xung quanh sẽ vọng lại cả một tràng dài rất lớn. Có thể cấu trúc không gian hồ-sông-hang karst ngầm ở Rằng Phặt đặc biệt đến mức mà tiếng vỗ tay hay tiếng gọi dội đi, dội lại trong đó đã cộng hưởng, trở nên lớn hơn, tạo áp lực lớn hơn rất nhiều lần lên mặt nước, khiến mực nước dềnh lên.