Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó.
ĐIỂM ĐẾN LINH THIÊNG CỦA CỘI NGUỒN DÂN TỘC
Cao Bằng sớm hình thành không gian văn hóa xã hội Văn Lang - Âu Lạc - văn hóa Đông Sơn từ hàng nghìn năm trước Công nguyên. Tiêu biểu có truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa” (Chín chúa tranh vua) của người Tày ở Cao Bằng kể về Thục Phán từ thế kỷ III trước Công nguyên là vua nước Nam Cương của người Tây Âu, địa bàn chủ yếu là tỉnh Cao Bằng ngày nay.
Chuỗi dấu tích truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa” về Thục Phán đến nay còn lại trên vùng đất địa linh Cao Bình, xã Hưng Đạo (Thành phố), như: Thành Bản Phủ, Di tích cự thạch đôi guốc đá, cánh đồng Tổng Chúp… Trong đó có chùa Đống Lân nằm trên gò Đống Lân (tiếng Tày là Đoỏng Lần), ở phía Tây Bắc thành phố Cao Bằng. Ngày 15/1/1997, chùa được UBND tỉnh cấp Bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Ngày mùng 8 tháng Giêng (âm lịch) hằng năm, chùa tổ chức lễ hội để du khách được trở về với dấu tích từ nghìn năm. Chùa Đống Lân mang nghi thức chính của văn hóa người Tày cổ thờ phụng người có công lớn đối với nhân dân là Thạch Sanh (trong truyền thuyết người Tày) chém chết trăn tinh, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân; thờ hai anh em Trần Quý, Trần Kiên (thế kỷ XVI, nhà Lê) và thờ Phật hướng thiện con người với giáo lý nhân văn của Phật giáo.
Chùa Đống Lân là điểm du lịch tâm linh nằm trong chuỗi dấu tích nghìn năm gắn với Thục Phán thời kỳ tiền sử, khởi đầu xây dựng nước Âu Lạc thì Đền thờ Bác Hồ ở Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng) là nơi linh thiêng mà nhân dân các dân tộc Cao Bằng vinh dự đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước ngày 28/1/1941, khởi đầu cho một dòng thác đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc.
Đền đáp công lao trời biển của Người, năm 2010, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng chung sức quyết tâm xây dựng công trình Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó. Kiến trúc Đền thờ mang dáng dấp ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày, Nùng. Đền độc đáo với bản sắc riêng bởi mỗi đường nét đều truyền tải những ý nghĩa văn hóa, lịch sử sâu sắc. Từ Đền thờ có thể nhìn xa bốn bề mây núi điệp trùng, dưới là dòng suối Lê-nin chảy bao quanh, đường đi uốn lượn rợp cây xanh và hoa đào nở đỏ thắm độ xuân sang... Công trình mang tầm vóc thế kỷ, thể hiện tấm lòng biết ơn sâu sắc của cả nước và nhân dân Cao Bằng với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Từ khi khánh thành (5/2011), mỗi năm Đền thờ Bác Hồ đón hàng nghìn lượt khách đến dâng hương tưởng nhớ, báo công dâng lên Bác những thành quả lao động, sáng tạo…
Anh Nguyễn Văn Hiển, du khách Hà Nội xúc động chia sẻ: Đã 5 năm nay, cứ vào dịp đầu xuân, tôi và gia đình đến dâng hương Đền thờ Bác Hồ ở Pác Bó. Bởi mảnh đất linh thiêng này đã đón bước chân đầu tiên của Bác sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước trở về, khởi đầu thực hiện cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc thành công nên sẽ khởi đầu cho một năm mới thành công.
Ngoài những điểm trên, du khách đến Cao Bằng còn đến các điểm du lịch tâm linh khác, như: Chùa Phố Cũ, Chùa Đà Quận, Đền Kỳ Sầm (Thành phố), Đền vua Lê (Hòa An)... tri ân các bậc tiền nhân có công lớn với nhân dân các dân tộc Cao Bằng thời kỳ phong kiến, tham dự các nghi lễ mang đậm bản sắc văn hóa Tày, Nùng.
CỘT MỐC TÂM LINH TRẤN ẢI BIÊN THÙY
Thiên nhiên ban tặng cho Cao Bằng cảnh quan đẹp và còn hội tụ khí thiêng đất trời để hun đúc cho con người nơi đây tinh thần yêu nước nồng nàn với chí khí kiên cường bền bỉ nghìn năm trấn giữ biên thùy. Vì thế Cao Bằng có điểm đến độc đáo “cột mốc tâm linh” nơi phên dậu Tổ quốc.
Thời nhà Lý (năm 1053 - thời Lý Thái Tông), trong cuộc kháng chiến chống Tống xâm lược lần thứ nhất và lần thứ hai (1076 - 1077), Hoàng Lục phối hợp với Nùng Trí Cao chủ động đánh bại quân Tống. Hoàng Lục có công lớn trong cuộc kháng chiến chống Tống xâm lược, được Triều đình nhà Lý phong chức An biên Tướng quân, thống lĩnh quân để bảo vệ biên giới. Sau khi ông mất, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ để tưởng nhớ công lao của ông. Năm 2004, UBND tỉnh Cao Bằng ra quyết định xếp hạng Di tích đền Hoàng Lục, xã Đình Phong (Trùng Khánh). Lễ hội đền Hoàng Lục được tổ chức mỗi năm hai lần. Mùa xuân được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng âm lịch. Đến mùa thu, sau khi thu hoạch xong vụ mùa, thì dân làng lại chọn ngày tốt cùng mổ lợn, làm xôi để dâng lên đền tạ ơn.
Chùa Trúc lâm Tà Lùng.
Vùng biên ải Cao Bằng có “Cổng trời”- nơi có thế núi xung quanh tạo cho đất này như một vùng tụ khí (có năng lượng tâm linh rất cao). Núi “Cổng trời” có độ cao gần 1.000 m so với mặt nước biển, trên eo núi Phja Đảy, làng Giộc Đâư, thị trấn Hùng Quốc (Trà Lĩnh). Theo quan niệm người xưa, đây là nơi giao thoa giữa trời - đất, âm - dương hòa quyện, là nơi linh thiêng trên tuyến đầu biên giới Tổ quốc để cầu nguyện cho quốc thái, dân an, có cuộc sống thái bình, trở thành điểm đến tâm linh cho nhiều khách thập phương những năm gần đây. Ngày 18/9/2009, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2161/QĐ-UBND xếp động Giộc Đâư, Cổng trời huyện Trà Lĩnh vào danh sách di tích danh lam, thắng cảnh cấp tỉnh với sự liên kết Cổng trời, Giộc Đâư - hồ Thang Hen thành khu du lịch thắng cảnh - tâm linh.
Cùng với điểm đến thắng cảnh - tâm linh Cổng trời, Cao Bằng có hai ngôi chùa lớn là Chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc (Trùng Khánh) và Chùa Trúc Lâm Tà Lùng (Phục Hòa) đã trở thành “cột mốc tâm linh” nơi biên cương của Tổ quốc.
Chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng ở nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc tại xã Đàm Thủy (Trùng Khánh), cách thác Bản Giốc khoảng 500 m, nằm trên thế núi cao tầm nhìn gần 10 km. Chùa khởi công từ tháng 6/2013, kiến trúc mang tính chất thuần Việt với kết cấu gỗ lim, vật liệu gạch ngói cổ truyền, mái đao truyền thống. Chùa thờ Tổ, nhà thờ Mẫu, đền thờ các anh hùng dân tộc, đền thờ anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các anh hùng liệt sỹ.
Điểm nhấn ngôi chùa là lầu Đại hồng chung Thiên Bảo bằng đồng nặng 1,5 tấn, tam quan, khuôn viên tượng Quan Âm Bồ Tát vừa để ngắm cảnh vừa để thỉnh chuông cầu nguyện trong các ngày lễ. Chùa không chỉ phục vụ nhu cầu tôn giáo tâm linh mà còn có tầm quan trọng trong việc phát triển Khu du lịch thác Bản Giốc trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia.
Chùa Trúc lâm Tà Lùng được xây dựng tại chân núi Phja Khoang (2014 - 2015), thị trấn Tà Lùng (Phục Hòa), cách Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng khoảng 1 km. Chùa gồm các hạng mục: nhà Tam bảo, nhà Tổ, tiền đường, cổng ngũ quan... Chùa thu hút nhiều tăng ni, phật tử gần xa đến lễ phật, tổ chức nhiều hoạt động xã hội nhân đạo, góp phần xây dựng cuộc sống mới văn minh, tiến bộ...
Trưởng Phòng Du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nông Thị Tuyến cho biết: Du lịch tâm linh ngày càng phát triển, trở thành một loại hình du lịch thế mạnh, hấp dẫn với du khách gần xa, góp phần tăng 1,2 triệu lượt khách đến Cao Bằng trong năm qua. Để du lịch tâm linh phát triển đúng hướng, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã và đang quan tâm bảo tồn và gìn giữ các giá trị cảnh quan nơi di sản, phát huy những giá trị văn hoá lịch sử truyền thống.
Bên cạnh việc bảo tồn còn tích cực xây dựng những tour, tuyến du lịch hợp lý, đầu tư vào các khu du lịch tâm linh để tạo ra sự đồng bộ; đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên tại chỗ có kiến thức văn hoá, lịch sử; đầu tư có chiều sâu vào các dịch vụ đi kèm, cải thiện hạ tầng giao thông dẫn vào các khu di tích. Du lịch văn hoá tâm linh đang hướng tới sự phát triển bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của ngành du lịch cũng như phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Xuân mới đang mùa lễ hội, du lịch văn hóa tâm linh Cao Bằng kết hợp với các loại hình du lịch khác sẽ tiếp tục tạo sức hấp dẫn trong hành trình du xuân của mỗi du khách.
Theo baocaobang.vn