Suối Lê Nin, núi Các Mác xanh mát hiền hòa tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó. Ảnh Hồng Diễm
Pác Bó là một làng nhỏ biên giới thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Nơi đây có địa thế núi rừng hiểm trở, nằm sát biên giới Việt – Trung với hơn 3,5 km đường biên giới và là một trong những địa phương sớm có phong trào cách mạng.
Nội dung tham quan tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, gồm có 3 phần:
Phần 1: Dâng hương tại đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh
Phần 2: Tham quan Nhà trưng bày
Phần 3: Tham quan các điểm di tích ngoài trời
1. Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đền thờ được xây dựng vào tháng 5/2011 nhân dịp kỷ niệm 121 năm ngày sinh của Bác. Đền được xây dựng theo kiểu nhà sàn của người dân tộc Cao Bằng, giản dị, trang nghiêm nhưng mang tính biểu tượng cao và gây ấn tượng sâu sắc. Đền thờ là địa điểm mang giá trị lịch sử văn hóa thể hiện sự tôn kính, tình cảm thiêng liêng của nhân dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh nơi du khách đến dâng hương dâng hoa Ảnh: Hồng Diễm - Xuân Quỳnh
2. Nhà trưng bày
Nhà trưng bày tại Khu di tích giới thiệu các hiện vật, hình ảnh gắn liền với quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Bác sống và làm việc tại Cao Bằng.
Ảnh: Nhà trưng bày nơi ghi lại những dấu ấn lịch sử cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Cao Bằng. Ảnh: Hồng Diễm - Xuân Quỳnh
3. Các điểm di tích ngoài trời
Suối Lê Nin
Suối Lê Nin xưa kia được người dân xóm Pác Bó gọi là suối Giàng, theo tiếng Tày có nghĩa suối trời. Năm 1941, Bác Hồ về nước chọn hang Pác Bó (hay còn gọi là hang Cốc Bó) ở và làm việc. Người đã đặt tên cho suối này là suối Lê Nin. Dòng suối nổi tiếng với làn nước trong xanh tựa như mặt gương, tạo nên cảnh quan tuyệt đẹp.
Dòng suối Lê Nin trong xanh như ngọc. Ảnh: Hồng Diễm
Núi Các Mác
Cùng với suối Lê Nin, núi Các Mác cũng được Bác đặt tên. Đây là tên của hai nhà tư tưởng ảnh hưởng lớn nhất đến sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác. Núi Các Mác có rừng cây xanh thẳm với địa hình thông thoáng bên trong nhưng lại hiểm trở và bí mật bên ngoài.
Men theo suối Lê Nin du khách sẽ được tham quan các điểm như: Cột mốc 108, nơi Bác nồi câu cá, vườn trúc Bác trồng, nhà ông Lý Quốc Súng, hang Cốc Bó, bàn ghế đá nơi Bác ngồi làm việc... Tất cả như tạo nên không gian yên bình nơi Bác từng dừng chân.
Cột mốc 108 biên giới Việt - Trung
Đây là nơi Bác Hồ đã đặt những bước chân đầu tiên trở về Tổ Quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Cột mốc biên giới số 108 là một trong 314 cột mốc biên giới được thành lập theo công ước hoạch định biên giới giữa chính quyền Pháp ở Đông Dương và triều đình nhà Thanh (Trung Quốc) năm 1887. Hiện nay, cột mốc 108 có giá trị về mặt lịch sử, cách đó khoảng 5m là cột mốc mang số hiệu 675 có giá trị về mặt pháp lý.
Toàn cảnh biên giới Việt - Trung tại địa điểm cột mốc 108 - ảnh: Xuân Quỳnh
Nơi Bác Hồ ngồi câu cá
Trong thời gian Bác ở Pác Bó, cuộc sống vô cùng khó khăn, cực khổ và thiếu thốn. Bữa ăn đạm bạc hàng ngày chỉ có cháo bẹ và rau rừng. Vì vậy, sau những giờ làm việc căng thẳng Bác thường ra bờ suối Lê Nin ngắm cảnh thư giãn đầu óc và ngồi câu cá để cải thiện bữa ăn đạm bạc hàng ngày.
Du khách thích thú trải nghiệm và checkin tại nơi Bác thường ngồi câu cá. Ảnh: Hồng Diễm
Hang Cốc Bó
Hang Cốc Bó là nơi ở và làm việc của Bác tại Pác Bó. Trong hang có tấm phản gỗ Bác Hồ nằm nghỉ, bếp lửa sưởi ấm, dòng bút tích Bác viết để đánh dấu ngày Bác chuyển từ nhà ông Lý Quốc Súng vào hang, tượng Các Mác Bác tạc để tưởng nhớ đến vị cách mạng vô sản của dân tộc Việt Nam…
Du khách xúc động khi về tham hang Cốc Bó nơi Bác từng sống những ngày đầu cách mạng. Ảnh: Xuân Quỳnh
Bàn ghế đá
Bàn ghế đá là nơi Bác Hồ ngồi làm việc bên bờ suối Lê Nin. Trên chiếc bàn đá đơn sơ này, Bác đã nghiên cứu và viết, dịch nhiều tài liệu, thơ ca tuyên truyền cách mạng.
Bộ bàn ghế đá nơi Bác từng ngồi làm việc. Ảnh: Hồng Diễm
Lán Khuổi Nặm
Lán Khuổi Nặm cách suối Lê Nin khoảng 800m, đây là nơi Bác đã ở lâu nhất tại Pác Bó Cao Bằng. Lán Khuổi Nặm được dựng gần một dòng suối, khá kín đáo thuận lợi cho việc quan sát và rút lui nếu có địch. Lán chỉ khoảng 12m2, dựng theo kiểu nhà sàn đơn sơ và mộc mạc. Tại lán Khuổi Nặm đã diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8.
Tranh lán Khuổi Nặm nơi diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8.
Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó - nơi non nước hữu tình, mùa nào cũng có một nét đẹp riêng. Còn chờ gì nữa hãy xách balo lên và đến miền non nước Cao Bằng, tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, tìm hiểu về quá trình hoạt động cách mạng của Bác Hồ và hòa mình vào thiên nhiên nơi đây.
Hồng Diễm