Múa rồng tại Lễ hội Pháo hoa Quảng Uyên

21/03/2018 7271 0
Lễ hội Pháo hoa huyện Quảng Uyên là một trong những lễ hội truyền thống độc đáo và có quy mô lớn nhất tỉnh Cao Bằng. Lễ hội được tổ chức hằng năm, từ ngày 30 tháng Giêng đến ngày 2 tháng Hai âm lịch, với ý nguyện cầu mong cho một năm mới may mắn, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Lễ hội Pháo hoa huyện Quảng Uyên là một trong những lễ hội truyền thống độc đáo và có quy mô lớn nhất tỉnh Cao Bằng. Lễ hội được tổ chức hằng năm, từ ngày 30 tháng Giêng đến ngày 2 tháng Hai âm lịch, với ý nguyện cầu mong cho một năm mới may mắn, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Múa rồng tại Lễ hội Pháo hoa huyện Quảng Uyên năm 2017.

Độc đáo và đặc sắc nhất trong Lễ hội Pháo hoa là điệu múa rồng. Theo tích xưa được các cụ cao niên kể lại: Từ thời xa xưa, sau khi đánh tan quân xâm lược, Nùng Trí Cao - một vị tướng quân người dân tộc Tày đã chọn nơi đây để tổ chức khao quân mừng chiến thắng với tên gọi là "hội thua phảo" (nghĩa là hội tranh đầu pháo), nhằm nêu cao tinh thần thượng võ, biểu dương sức khỏe. Điệu múa rồng trong lễ hội là biểu tượng của sự mạnh mẽ. 

Người xưa quan niệm rằng, rồng là con vật đứng đầu trong “tứ đại linh thú”, khi rồng xuất hiện ở đâu là nơi đó sẽ nhận được nhiều may mắn. Rồng với tư cách là chúa tể của các vùng sông nước, nhưng khi rồng bay lên, nó được gắn liền với việc sinh ra sấm và mưa là biểu hiện của hoạt động bầu trời. Nó là hiện tượng của các cơn mưa làm tươi tốt đất đai. Rồng làm mưa thuận gió hòa, cây cối xanh tốt, mùa màng bội thu, hứa hẹn một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. 

Với ý nghĩa đó, rồng được làm lễ “khai quan” tại mỏ nước Cốc Chủ - mỏ nước ở gốc cây cổ thụ, một mỏ nước thiêng trong vùng. Đặc biệt, trước khi lễ hội diễn ra khoảng một tháng, các trai tráng khỏe mạnh, tài, đức trong sáng trên địa bàn huyện được tuyển chọn kỹ càng để múa rồng. Một trong những điểm độc đáo của điệu múa rồng trong lễ hội chính là quả cầu dẫn rồng. Người được tuyển chọn cầm quả cầu phải là thanh niên trên 18 tuổi, chưa kết hôn và là người có đức tính tốt, gia đình hòa thuận, ấm no. 

Màn đặc sắc nhất của lễ hội là lễ "khai quan" cho rồng mở mắt. Ngay từ chiều 30 tháng Giêng, chủ lễ là một cụ già có uy tín trong vùng và đội múa rồng gồm 15 người, trong đó 3 người đánh trống, 1 người cầm quả cầu và 11 người múa rồng đến khai lễ tại mỏ nước. Trên đường ra mỏ nước không được múa rồng, không đánh trống mà phải bịt mắt rồng bằng giấy bản, đến mỏ nước, rồng nằm phủ phục. Chủ lễ thắp hương vái thiên địa, cầu xin thần linh phù hộ một năm làm ăn mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đời sống ấm no, an lành và xin được cho rồng mở mắt. Bái lễ xong, chủ lễ cắt tiết con gà trống, lấy máu thoa vào hai mắt rồng rồi bỏ tờ giấy bản che mắt rồng ra, lúc này rồng đã được mở mắt, sau ba hồi trống nổi lên đánh thức, rồng bắt đầu cử động từ đầu đến thân rồi đuôi. Trống nổi lên thúc giục, thân rồng từ từ được nâng lên cao, dạo quanh mỏ nước ba vòng rồi đi vào miếu Bách Linh để thi lễ. 

Múa rồng tại Lễ hội Pháo hoa Quảng Uyên.

Theo nhịp trống, múa rồng tại lễ hội được chia thành 3 loại: múa rồng chầu, múa rồng uốn lượn và múa rồng lộn. Rồng chầu là điệu múa thể hiện tại các sân chùa, đền. Với tư thế đầu rồng chầu ngọc (tức quả cầu) thể hiện sự uy nghiêm, trang trọng cùng ý niệm "phun vàng nhả ngọc" của thần rồng. Rồng uốn lượn là điệu múa được thể hiện khi rồng đi thăm, ngao du trên các con phố của thị trấn. Với điệu múa này, thân rồng luôn được lắc lư, uốn lượn mềm mại. Người ở các vị trí chẵn 2 - 4 - 6 sẽ có động tác ngược lại với những người ở vị trí lẻ 3 - 5 - 7. Rồng lộn là điệu múa được thể hiện trước khi trò chơi tranh đầu pháo diễn ra. Điệu múa này thể hiện sự mềm mại, sống động như rồng thật đang bay lượn nhằm biểu dương và cổ động tinh thần của các "tráng sĩ" thuộc các xã trên địa bàn huyện. Nhịp trống tùy theo từng điệu múa mà dồn dập, mạnh mẽ hoặc chậm rãi, thong thả. 

 Rồng là biểu trưng cho sự may mắn và mạnh mẽ nên màu sắc của rồng được sử dụng chủ yếu là màu vàng, đỏ và xanh dương. Màu vàng trên sừng, đầu và vảy rồng biểu trưng cho sự giàu sang, phú quý. Màu xanh dương trên thân rồng thể hiện cho bầu trời và sông nước. Riêng quả cầu rồng chầu phải được sơn màu đỏ, có kích thước 45 cm, nặng hơn 4 kg được đúc bằng sắt nguyên chất. Biểu trưng của viên ngọc dẫn rồng chính là mặt trời. Sự cộng hưởng của màu sắc và những quy định đặc biệt về màu chính là biểu tượng của ba đơn vị cơ bản trong tự nhiên là: trời, đất, nước và yếu tố tâm linh là thần thú. Chính bốn yếu tố này tạo nên sự linh thiêng của "thần rồng" trong lễ hội. Bộ khung của rồng được đúc bằng sắt nguyên chất gồm 1 đầu rồng, 1 đuôi và 9 đoạn thân. Trong đó phần đầu rồng nặng nhất lên tới 25 kg. Vì thế, khi tuyển chọn các tráng sĩ, người cầm đầu rồng phải có sức khỏe, nhanh nhẹn và thông minh. 

Múa rồng trong Lễ hội Pháo hoa Quảng Uyên đã trở thành một phần không thể thiếu. Được lưu giữ, truyền thụ qua nhiều thế hệ, điệu múa rồng vẫn giữ nguyên chất "hồn thiêng" của mình. Đối với các dân tộc trên địa bàn huyện, múa rồng không chỉ thể hiện nét đẹp trong văn hóa mà còn là biểu tượng linh thiêng của dòng chảy truyền thống.

 

Thủy Tiên
Nguồn tin: Báo Cao Bằng

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu