Thạch đen - đặc sản Cao Bằng

23/06/2022 1563 0
Thạch đen là loại một món ăn vặt thanh mát, giải nhiệt mùa hè. Ở miền Bắc, nổi tiếng nhất là loại thạch có nguồn gốc từ huyện Thạch An, Cao Bằng. Để có thành phẩm ngon và hấp dẫn là cả một quá trình người làm cẩn thận, tỉ mỉ với từng khâu quan trọng như chọn nguyên liệu, nấu lá và chế biến...

Nguyên liệu chính làm nên món thạch là cây thạch đen (còn được gọi là cây Tiên Thảo hay Sương Sáo) - đây là một loại cây thân cỏ cao 40 - 60 cm, thân 4 cạnh, phân nhánh nhiều, tỏa ra trên mặt đất giống như cây bạc hà. Cây thạch đen là giống cây trồng ngắn ngày, chỉ 4 tháng là có thể thu hoạch. Đặc biệt, do khí hậu thổ nhưỡng thích hợp nên cây thạch đen được trồng ở huyện Thạch An cho ra lá có chất lượng tốt nhất trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Sau khi thu hoạch, cây được phơi khô để bảo quản. Như vậy sẽ đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu sản xuất thạch đen cho cả năm.

Cây thạch đen được trồng ở huyện Thạch An – tỉnh Cao Bằng

Theo chị Nông Lệ Thùy (chủ cơ sở sản xuất thạch đen Lê Thùy, thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An) chia sẻ: thạch đen là món ăn được chế biến khá đơn giản. Đầu tiên, cây thạch khô sẽ được mang ra sơ chế, rồi cho vào nồi ninh trong vòng khoảng 3 tiếng. Sau khi cây thạch đã nhừ, người nấu thạch đem cây đi vò thật kỹ, rồi lọc lấy nước. Tiếp đến người nấu thạch đem nước đó hòa thêm một chút bột năng và đường đun trong khoảng 1 tiếng rưỡi, với lửa liu riu đến khi thạch đủ độ kết dính và không dính đũa là đã tạo ra thành phẩm đạt yêu cầu.

Sau khi chế biến xong, người nấu thạch chỉ cần đợi thạch bớt nóng rồi đổ vào khuôn, chờ thạch nguội hẳn thì được bảo quản nơi mát.

Trung bình cứ 1kg lá thạch đen khô có thể làm được 20kg thạch đen thành phẩm - ảnh: Lệ Thùy

Thạch đen ngon nhất khi thưởng thức trong vòng 3 ngày đầu tiên từ lúc nấu xong. Thạch đen có thể thưởng thức trực tiếp hoặc kèm với chè, sữa đậu, sữa chua, hoa quả, … - ảnh: Lệ Thùy

Mỗi người nấu đều có một bí quyết chế biến thạch đen riêng. Do vậy, khi thưởng thức, thực khách có thể nhận thấy sự khác biệt giữa thạch đến từ những cơ sở sản xuất khác nhau. Nhưng có thể thấy các cơ sở sản xuất ở Cao Bằng hiện nay vẫn đang nấu thạch đen theo phương pháp thủ công, không dùng chất bảo quản, không dùng phẩm màu nhưng vẫn tạo được độ thơm ngon, dẻo dai cho sản phẩm.

Hiện nay, Cao Bằng đã có rất nhiều cơ sở sản xuất thạch đen uy tín về chất lượng có khả năng cung cấp phục vụ nhu cầu của thực khách trong và ngoài tỉnh. Nổi bật có sản phẩm thạch đen Cao Bằng của hộ kinh doanh Nông Lệ Thùy đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020.

Sản phẩm thạch đen Lê Thùy với bao bì bằng giấy thân thiện môi trường - ảnh: Lệ Thùy

Sản phẩm thạch đen Lê Thùy vinh dự được công nhận sản phẩm OCOP 03 sao cấp tỉnh - ảnh: Lệ Thùy

Sản phẩm thạch đen không những được thị trường trong và ngoài tỉnh yêu thích mà còn được mang đi quảng bá tại các hội chợ du lịch thương mại trong và ngoài nước - ảnh: Lệ Thùy

Với vị ngọt thanh mát, thạch đen Cao Bằng đã ngày càng phổ biến và trở thành món quà đặc sản của du khách mỗi khi có chuyến lên thăm mảnh đất Cao Bằng.

Tác giả bài viết: Xuân Quỳnh

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu