Du lịch đêm - Hướng đi mới của du lịch Cao Bằng

10/09/2020 10/11/2021

2672 0

Du lịch đêm sẽ là xu hướng mới cho du lịch Việt Nam nói chung và Cao Bằng nói riêng. Du lịch đêm không chỉ tạo ra cơ hội việc làm cho ngành du lịch mà còn tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tác động lan tỏa đến các ngành khác như thương mại, vận tải, dịch vụ ăn uống và các ngành công nghiệp sáng tạo như ca nhạc, nghệ thuật trình diễn… Tuy nhiên loại hình du lịch này chưa được khai thác hiệu quả và bài toán làm thế nào để phát triển sản phẩm du lịch đêm đang là điều trăn trở, tìm hướng đi mới của du lịch Cao Bằng.

Phố đi bộ Kim Đồng (Ảnh: Báo Cao Bằng)

Những năm gần đây, lượng khách trong nước và quốc tế đến Cao Bằng đã có sự tăng trưởng khá tốt nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của du lịch Cao Bằng. Một trong những lý do quan trọng mà nhiều du khách chia sẻ khi đến Cao Bằng, đó là: Cao Bằng có rất nhiều cảnh đẹp, văn hóa đặc trưng nhưng vào ban đêm có ít điểm để vui chơi, giải trí, tìm hiểu văn hóa bản địa, mua sắm các sản vật của địa phương…Tại một số thị trấn, thành phố đã hình thành một số quầy bar, cà phê, karaoke, quán ăn đêm nhưng chưa nhiều. Chợ thì phần lớn được tổ chức vào ban ngày, chủ yếu bày bán những sản phẩm tiêu dùng nơi nào cũng có, ít sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Trong khi đó, Cao Bằng hội tụ rất nhiều điều kiện để phát triển du lịch đêm, tài nguyên du lịch tự nhiên, nhân văn rất phong phú và đa dạng. Với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, quần thể hồ Thang Hen, Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén và trên 30 hang động đẹp có tiềm năng khai thác phục vụ du lịch. Toàn tỉnh có 214 di tích với 92 di tích đã xếp hạng, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt (Khu di tích Pác Bó, rừng Trần Hưng Đạo, Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950), 23 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 66 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Cao Bằng là địa phương có hơn 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với nhiều di sản văn hóa phi vật thể nổi tiếng như Nghi lễ Then của người Tày, Lễ hội Nàng Hai, Lễ hội đền Kỳ Sầm, Lễ hội đền Vua Lê, Lễ hội chùa Sùng Phúc... Cao Bằng còn có những món ẩm thực nổi tiếng, đậm chất vùng miền như: bánh cuốn, phở chua, thịt vịt, bánh coóng phù (bánh trôi) lọt Top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam... Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch về đêm, là “mỏ vàng” chưa được khai thác hiệu quả.

Nghệ thuật đường phố biểu diễn tại phố đi bộ Kim Đồng (Ảnh: Báo Cao Bằng)

Theo thống kê của Sở VHTTDL Cao Bằng, năm 2019 trên địa bàn tỉnh có 256 cơ sở lưu trú đạt chuẩn từ 1-3 sao, 175 cơ sở lưu trú du lịch khác (homestay, nhà nghỉ) với quy mô 3.192 phòng, 5.109 giường. Công suất sử dụng phòng bình quân của hệ thống cơ sở lưu trú đạt 64,75%. Với mong muốn kéo dài thêm thời gian lưu trú của du khách và có thêm sản phẩm du lịch về đêm, Cao Bằng đã đầu tư và đưa vào khai trương tuyến phố đi bộ Kim Đồng và Chợ ẩm thực từ tháng 10/2019, nhân dịp Kỷ niệm 520 năm thành lập tỉnh Cao Bằng (1499 - 2019) để tạo thêm điểm vui chơi, giải trí, giao lưu văn hoá của nhân dân trong tỉnh và khách du lịch vào tối thứ Sáu và thứ Bảy hàng tuần (từ 18h30 - 23h đêm). Sau một thời gian hoạt động, phố đi bộ Kim Đồng đã trở thành điểm đến quen thuộc đối với du khách và người dân địa phương, thu hút trung bình từ 2.000 - 3.000 người mỗi đêm. Sản phẩm này đã góp phần thu hút nhiều hơn du khách đến với Cao Bằng.

Theo báo cáo của Sở VHTTDL Cao Bằng, năm 2019, Cao Bằng đón được 185.040 lượt khách quốc tế, tăng 63,4% so với năm 2018; phục vụ 1.364.306 lượt khách nội địa, tăng 22%. Tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 1.057 tỷ đồng, vượt 151,7% so với mục tiêu. Tỷ trọng du lịch chiếm 2,68% tổng GRDP toàn tỉnh.

Thác Bản Giốc, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng (Ảnh: TITC)

Với mô hình của phố đi bộ Kim Đồng đang hoạt động có hiệu quả, trong thời gian tới Cao Bằng cần có những giải pháp và định hướng đột phá để phát triển du lịch ban đêm. Nhìn nhận về điều đó, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sầm Việt An nhận định: Cao Bằng có nhiều điều kiện thuận lợi và tiềm năng để phát triển du lịch đêm. Tuy nhiên, để mô hình này phát huy hiệu quả và là “cú huých” cho ngành du lịch thì tỉnh cần có sự đầu tư bài bản và chính sách đồng bộ hơn. Trong chiến lược phát triển du lịch, Cao Bằng đang định hướng cơ cấu lại sản phẩm du dịch, nâng cao chất lượng du lịch trên cơ sở nguồn tài nguyên du lịch sẵn có, khai thác, phát huy hiệu quả các di tích, di sản, đa dạng hóa các loại hình du lịch văn hóa, tâm linh, giải trí, nghỉ dưỡng, khám phá, mạo hiểm, hợp tác qua biên giới, phát triển du lịch cộng đồng, tổ chức tốt các dịch vụ về đêm nhằm thu hút chi tiêu của khách du lịch.

Đồng thời, tăng cường kêu gọi đầu tư, thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các khu di tích quốc gia đặc biệt, các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh; chỉ đạo các địa phương quan tâm đầu tư phát triển hệ thống nhà hàng, cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch, khu vui chơi giải trí về đêm, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng mang đậm bản sắc Cao Bằng. Làm được như vậy, du lịch Cao Bằng sẽ được “thắp sáng” với nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn và Cao Bằng sẽ không chỉ là nơi đến mà còn là nơi để trở về của du khách thập phương.

Khu di tích lịch sử Pác Bó (Ảnh TITC)

Hưởng ứng sự chỉ đạo của Lãnh đạo UBND tỉnh và ngành Du lịch, một số địa phương của Cao Bằng đã xây dựng kế hoạch phát triển mô hình, sản phẩm du lịch đêm trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2020 – 2025. Cụ thể như: UBND huyện Bảo Lạc xác định phát triển dịch vụ - du lịch bền vững với nhiều loại hình: du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và các điểm di tích văn hóa - lịch sử trên địa bàn. Khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng, mở rộng các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, các dịch vụ ăn uống… theo hướng bảo tồn các không gian văn hóa dân tộc và sưu tầm các món ăn truyền thống đặc sắc bản địa để phục vụ nhu cầu của khách du lịch; Quy hoạch Khu chợ đêm và Khu ẩm thực tại trung tâm Thị trấn, tổ chức vào tối thứ Sáu, thứ Bảy hàng tuần. Phấn đấu đến năm 2025, ngành dịch vụ - du lịch chiếm tỷ trọng từ 12 - 15% trong tổng thu ngân sách của địa phương.

Núi mắt thần (núi thủng) Cao Bằng (Ảnh TITC)

Thành phố Cao Bằng sẽ tiếp tục mở rộng không gian tuyến phố đi bộ ven sông Bằng Giang để tạo cảnh quan phục vụ du khách; nghiên cứu bổ sung thêm các hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng, điểm trưng bày, quảng bá làng nghề truyền thống, bán hàng lưu niệm... phục vụ du khách, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại dịch vụ và du lịch về đêm trên địa bàn.

Ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam” với mục tiêu khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; đồng thời hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Hướng tới tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm và đồng thời gắn kết cộng đồng, giao lưu xã hội cho người dân Việt Nam, giữa người Việt Nam và người nước ngoài, đặc biệt là khách du lịch.

Nguồn: Tổng cục Du lịch

 

Bản đồ

Lịch trình mẫu