15/05/2020 31/12/2020
Cao Bằng
3622 0
Cao Bằng là vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa, theo thống kê tỉnh Cao Bằng có 214 di tích, trong đó có 03 di tích được xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt. Đó là: Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Pác Bó, Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Biên giới 1950. Với ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng, ngày 22/4/2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 450/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng. Sau khi thành lập, Ban Quản lý đã tiếp tục công tác tuyên truyền, quảng bá sâu rộng hơn để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
KHU DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT PÁC BÓ
Trong hành trình về nguồn, đầu tiên mời du khách đến với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (nằm trên địa phận xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng với tổng diện tích trên 295 ha và có gần 60 điểm di tích). Đây là một trong những khu di tích quan trọng trong hệ thống các di tích về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng thời kỳ 1941 - 1945.
(Suối Lê Nin, núi Các Mác - ảnh: Dương Tuất)
Đến đây, du khách hãy dừng chân tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh để dâng hương, dâng hoa và báo công với Bác. Tiếp nữa, du khách tham quan Nhà trưng bày để hiểu hơn về giá trị truyền thống văn hóa - lịch sử của mảnh đất Cao Bằng qua các tư liệu, hình ảnh và hiện vật. Đặc biệt, du khách còn có thể làm phong phú thêm tri thức của mình về lịch sử cách mạng nước ta nhờ tham quan các điểm di tích nổi tiếng gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: suối Lê Nin và núi Các Mác - hai địa danh được Bác đặt tên cho; hang Cốc Bó - nơi Bác từng ở và làm việc; bộ bàn ghế đá - nơi bác viết nhiều tài liệu tuyên truyền cách mạng, chuẩn bị nội dung Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, dịch cuốn Lịch sử Đảng… cột mốc 108 - nơi Bác cùng các đồng chí (Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Đào Thế An, Đặng Văn Cáp, Hoàng Văn Lộc) đặt những bước chân đầu tiên về nước để xây dựng căn cứ địa cách mạng; cụm di tích lán Khuổi Nặm - nơi diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, nơi ra đời tờ báo Việt Nam Độc lập (cơ quan ngôn luận của Mặt trận Việt Minh)… tất cả các địa danh thiêng liêng đó đã đi vào lịch sử, vào tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam.
KHU DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT RỪNG TRẦN HƯNG ĐẠO
Hành trình về nguồn không thể thiếu được Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (nằm dưới chân núi Slam Cao thuộc địa bàn 2 xã: Tam Kim và Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Đây là nơi gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người “Anh cả” của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
(Bức phù điêu 34 chiến sĩ của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo - ảnh Nguyễn Đức Dũng).
Nơi này, cách đây 76 năm về trước, ngày 22/12/1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo, thực hiện Chỉ thị của Bác, đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Đội gồm 34 chiến sĩ, trong đó có 25 chiến sĩ là con em các dân tộc Cao Bằng, do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy, đồng chí Hoàng Sân làm đội trưởng. Ngay khi thành lập, Đội tiến hành đánh hai trận vào hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần của địch. Hai trận đánh đầu tiên giành thắng lợi giòn giã đã mở ra truyền thống đánh nhanh, thắng nhanh, đánh chắc, thắng chắc tạo được tiếng vang lớn, cổ vũ phong trào cách mạng Việt Nam.
Trong chuyến tham quan, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến nơi sinh hoạt hằng ngày từ việc ăn, ở đến học tập... của Đội, cùng nơi ghi dấu hai trận đầu thắng lợi của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân thông qua 5 điểm quan trọng, đó là: Cụm di tích rừng Trần Hưng Đạo (gồm địa điểm thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, lán nghỉ và bếp ăn, mỏ nước phục vụ nước sinh hoạt, đỉnh Slam Cao); hang Thẳm Khẩu (xã Tam Kim) - từng được sử dụng làm trạm liên lạc, đưa cơm phục vụ cho các đồng chí hoạt động cách mạng; đồn Phai Khắt (xã Tam Kim) - nơi diễn ra trận đánh đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân sau khi thành lập (25/12/1944); đồn Nà Ngần (xã Hoa Thám) - nơi ghi dấu trận đánh thứ 2 giành thắng lợi của Đội (26/12/1944); di tích Vạ Phá (xã Tam Kim) - nơi mở lớp huấn luyện, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ cho toàn tỉnh (2/1944).
Ngoài tham quan các di tích lịch sử, du khách còn được khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ và tận hưởng bầu không khí trong lành của khu rừng nguyên sinh Trần Hưng Đạo (với diện tích rộng trên 201,7 ha). Qua cuộc hành trình, du khách có thể hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn về quãng thời gian các đồng chí cán bộ cách mạng từng hoạt động ở nơi đây.
KHU DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT ĐỊA ĐIỂM CHIẾN THẮNG BIÊN GIỚI NĂM 1950 HUYỆN THẠCH AN
Sẽ chưa thực sự trọn vẹn trong hành trình về cội nguồn cách mạng, nếu du khách chưa đặt chân đến Khu di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Biên giới năm 1950 (tại huyện Thạch An). Khu di tích có giá trị đặc biệt quan trọng, gắn liền với sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến thắng Chiến dịch Biên giới năm 1950. Đây là nơi duy nhất trong lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận chỉ huy chiến dịch.
Ngược dòng lịch sử trở về những năm 40, 50 của thế kỷ trước, sau khi nước ta vừa giành được độc lập, thực dân Pháp lại nổ súng ở Nam Bộ. Chủ tịch Hồ Chí minh ra sức đàm phán với thực dân Pháp, nhưng thỏa thuận ngừng bắn không thành, bởi chúng có dã tâm cướp nước ta một lần nữa. Đến đầu tháng 6/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ TW Đảng họp tại Định Hóa, Thái Nguyên quyết định mở Chiến dịch Biên giới. Đây là chiến dịch có tầm quan trọng đặc biệt đối với cuộc kháng chiến. Kết thúc chiến dịch, sau 29 ngày đêm chiến đấu liên tục (từ ngày 16/9 đến ngày14/10) quân ta đã giành thắng lợi, đây là chiến dịch đầu tiên do ta chủ động tấn công.
Hiện nay, địa điểm này được phân bố thành 4 cụm di tích nằm trên địa bàn 3 xã và một thị trấn, gồm: Cụm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến thắng Chiến dịch Biên giới năm 1950 tại xã Đức Long; cụm di tích cứ điểm Đông Khê tại thị trấn Đông Khê; cụm di tích Khau Luông tại xã Đức Xuân; cụm di tích Cốc Xả - Điểm cao 477 tại xã Trọng Con.
Toàn cảnh khu nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến thắng Biên giới năm 1950 (ảnh: Chiến Thắng)
Tới đây, du khách sẽ được chinh phục ngọn núi Báo Đông - nơi Bác trực tiếp quan sát và chỉ huy chiến dịch. Ngay nay, tại vị trí đó đã xây dựng Cụm tượng đài Bác Hồ quan sát trận đánh Đông Khê (được mô phỏng theo bức ảnh của nghệ sĩ Vũ Năng An). Đường lên đài quan sát gồm 846 bậc đá, được chia thành 79 cung bậc, tượng trưng cho 79 mùa xuân của Bác.
Các Khu di tích quốc gia đặc biệt là nơi lưu giữ một hệ thống di tích gắn liền với giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng của cách mạng Việt Nam và đến nay đã trở thành “địa chỉ đỏ” trong hành trình về nguồn Cao Bằng. Đây không chỉ là nơi tham quan, học tập, tìm hiểu về những giá trị lịch sử mà còn là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau.
Xuân Quỳnh