Du lịch phát triển theo hướng bền vững

03/01/2024 622 0
Năm 2023, du lịch Cao Bằng có bứt phá mới, từng bước thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Tăng tốc sau đại dịch Covid-19

Năm 2022, du lịch Cao Bằng đạt 1,2 triệu lượt khách, bước vào năm 2023 tăng lên gần 2 triệu lượt khách, tăng 72% so với cùng kỳ, khẳng định du lịch Cao Bằng tăng tốc khá ấn tượng. Với sự chủ động phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19, từ năm 2022, Cao Bằng có thêm nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. 3 khu di tích quốc gia đặc biệt: Pác Bó (Hà Quảng), rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình), Chiến thắng Biên giới năm 1950 (Thạch An) đều làm mới, tôn tạo thêm cảnh quan, trồng thêm hoa, cây cảnh theo mùa; giới thiệu bằng hình ảnh 3D; đổi mới tổ chức sự kiện văn hóa du lịch để tăng sức hấp dẫn thu hút du khách, mỗi tháng đón hàng nghìn lượt khách.

Thành phố, các huyện trong Công viên địa chất (CVĐC) Non nước Cao Bằng như: Trùng Khánh, Nguyên Bình, Quảng Hòa, Bảo Lạc… tích cực đầu tư làm mới nhiều sản phẩm du lịch; khu nghỉ dưỡng, homestay, nhà hàng, khách sạn được đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch để đón khách đến trải nghiệm. Anh Phạm Văn Hùng, Chủ khu du lịch Mộc Homestay tại Mắt Thần núi (Trùng Khánh) cho biết: Năm 2020 - 2021 khi dịch Covid-19 không có khách, tôi đầu tư khu nghỉ dưỡng Mộc Homestay theo văn hóa bản địa và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên. Năm 2023, khu nghỉ dưỡng Mộc Homestay đón nhiều du khách trong nước và quốc tế đến trải nghiệm, khách nước ngoài đến lưu trú khá dài ngày. 

Mộc Homestay (gần di sản địa chất Mắt Thần núi) được xây dựng theo kiến trúc văn hóa dân tộc Tày, Nùng bản địa thu hút nhiều du khách đến khám phá, trải nghiệm.

Mộc Homestay (gần di sản địa chất Mắt Thần núi) được xây dựng theo kiến trúc văn hóa dân tộc Tày, Nùng bản địa thu hút nhiều du khách đến khám phá, trải nghiệm.

Cùng hợp sức với các sở, ngành, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể vào cuộc, Hiệp hội Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch các tỉnh tổ chức mời các đoàn FAMTRIP, công ty lữ hành, doanh nghiệp du lịch, báo chí Trung ương đến Cao Bằng khảo sát du lịch và quảng bá sản phẩm du lịch Cao Bằng đến thị trường trong nước và quốc tế.  

UBND tỉnh tham dự Hội nghị quốc tế lần thứ 7 của mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại tỉnh Satun, Thái Lan và bảo vệ thành công hồ sơ vận động tranh cử đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO lần thứ 8 của khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 tại Cao Bằng; tham gia các hoạt động mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO và hợp tác quốc tế nhằm mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các CVĐC tiềm năng và CVĐC Toàn cầu UNESCO để làm cầu nối thúc đẩy hợp tác giữa Cao Bằng với các địa phương của các quốc gia trên thế giới.

Để giới thiệu Cao Bằng là điểm đến hấp dẫn sau dịch Covid-19, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh quảng bá du lịch Cao Bằng trên kênh truyền thông địa phương, Trung ương, mạng xã hội facebook, Zalo, Fanpage - Du lịch Non nước Cao Bằng, Youtube Cao Bang Geopark; số hóa các ấn phẩm du lịch, xây dựng Đề án số hóa dữ liệu du lịch, hệ thống thực tế ảo, thuyết minh ảo, du lịch trải nghiệm 3D trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2022 - 2025… thu hút nhiều du khách trong nước và ngoài nước lựa chọn du lịch Cao Bằng. Chị Nguyễn Châu Lê, du khách Thành phố Hồ Chí Minh hào hứng chia sẻ: Sau dịch Covid-19, tôi đến trải nghiệm tại Nasan green (Trùng Khánh), Mộc Homestay (Trùng Khánh), đi bộ bên bờ Sông Bằng (Thành phố)… Cao Bằng chỗ nào cũng rất đẹp nên tôi chọn là điểm đến thường niên.

 

Nâng tầm văn hóa truyền thống xây dựng sản phẩm khác biệt

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sầm Việt An cho biết: Sở tiếp tục tham mưu cho các cấp, ngành, địa phương bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa lịch sử; di sản CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống; tiếp tục triển khai Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2030”; ban hành Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025”; tổ chức các hội thảo, buổi tọa đàm về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch…

Màn trình diễn hát Then, đàn tính với sự tham gia 1.000 người tại Lễ hội thác Bản Giốc năm 2023 được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Màn trình diễn hát Then, đàn tính với sự tham gia 1.000 người tại Lễ hội thác Bản Giốc năm 2023 được xác lập kỷ lục Việt Nam. Ảnh Thế Vĩnh

Sở tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện 4 dự án đầu tư của Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; xúc tiến, thu hút một số nhà đầu tư đến tìm hiểu và triển khai dự án du lịch, gồm: Dự án xây dựng các khu du lịch sinh thái Suối Củn (Hòa An), Dự án đầu tư Di tích danh lam thắng cảnh Động Dơi (Hạ Lang), Dự án đầu tư dịch vụ nghỉ dưỡng khu vực Mắt Thần núi, thác Bản Giốc (Trùng Khánh), Dự án điểm dừng chân Phúc Sen (Quảng Hòa)... 

Đến nay, nhiều vốn văn hóa cổ đặc sắc dân tộc Lô Lô, Dao Đỏ, Dao Tiền, Nùng, Tày… được bảo tồn, cộng nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã được các huyện gắn với du lịch cộng đồng, du lịch lễ hội, du lịch tâm linh… Xây dựng 700 đội văn nghệ quần chúng, câu lạc bộ hát dân ca, dân vũ tại các xã, thị trấn vừa bảo tồn giá trị di sản văn hóa đặc sắc vừa phục vụ phát triển du lịch. Cao Bằng đã xác lập kỷ lục Việt Nam với màn trình diễn hát Then, đàn tính do 1.000 người tham gia trình diễn trong sự kiện Lễ hội thác Bản Giốc năm 2023. Cao Bằng đem nhiều văn hóa đặc sắc các DTTS đến với Thủ đô Hà Nội trong “Ngày hội du lịch Non nước Cao Bằng”. 

Chị Trần Lê Ngân, du khách Hà Nội hào hứng cho biết: Tôi chưa có dịp lên Cao Bằng nên khi có sự kiện “Ngày hội du lịch Non nước Cao Bằng” tại phố đi bộ Hoàn Kiếm, Hà Nội, tôi đã đi trải nghiệm từng gian hàng, xem biểu diễn văn nghệ và bị lôi cuốn bởi sự hấp dẫn bởi văn hóa đặc sắc các DTTS Cao Bằng. Chưa khi nào tôi ăn bánh cuốn, cháo ngô, miến dong, lạp sườn Cao Bằng do các cô gái Tày, Nùng, Mông, Dao mặc trang phục dân tộc phục vụ. Tôi nhất định phải lên Cao Bằng để được ngắm nhiều cảnh đẹp và thưởng thức những món ăn đặc sản khác.

Kết nối du lịch Cao Bằng gần hơn du khách trong nước và quốc tế

Cao Bằng là vùng đất phên dậu, phía Bắc Tổ quốc, xa thủ đô và các trung tâm kinh tế lớn, hạn chế kết nối vì cung đường dài, xa. Do đó, Tỉnh ủy chỉ đạo tháo gỡ điểm nghẽn, quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông để kết nối Cao Bằng gần hơn với Bắc Kạn - Thái Nguyên, Tuyên Quang - Hà Giang - Lạng Sơn - Quảng Ninh nối với các tỉnh Đông Bắc và thông xuống Hà Nội, Hải Phòng với các tỉnh thành cả nước.

Đèo 15 tầng Khau Cốc Trà, huyện Bảo Lạc hiện nay đang được nâng cấp là cung đường kết nối tuyến trải nghiệm du lịch thứ 5 giữa Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn , Hà Giang với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Đèo 15 tầng Khau Cốc Chà, huyện Bảo Lạc hiện nay đang được nâng cấp là cung đường kết nối tuyến trải nghiệm du lịch thứ 5 giữa Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang với Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Năm 2023 - 2024 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khảo sát và xúc tiến xây dựng tuyến du lịch trải nghiệm thứ 5 kết nối CVĐC Toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) - CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng sẽ là sản phẩm độc đáo kết nối chưa từng có trên thế giới giữa 2 CVĐC toàn cầu UNESCO. Xúc tiến hình thành tuyến du lịch Ba Bể (Bắc Kạn) - Nguyên Bình - Bảo Lạc - Bảo Lâm (Cao Bằng) - Mèo Vạc - Đồng Văn (Hà Giang). Thời gian tới, các tuyến đường kết nối giữa các huyện giáp ranh Hà Giang, Bắc Kạn, đường cao tốc Cao Bằng - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quốc lộ 1… sẽ kết nối tiềm năng du lịch huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Thạch An (Cao Bằng) với các tỉnh Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, mở ra cơ hội liên kết khai thác nhiều loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch CVĐC, du lịch mạo hiểm, nghỉ dưỡng, làng nghề, du lịch đỏ…

Để kết nối Cao Bằng với du khách quốc tế, UBND tỉnh, các sở, ngành xúc tiến trao đổi với CVĐC Toàn cầu UNESCO Khorat, Thái Lan về tiềm năng hợp tác giữa 2 CVĐC. Xúc tiến chuẩn bị tốt công tác tổ chức Hội nghị quốc tế về mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO lần thứ 8 của Khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 tại Cao Bằng. Tích cực tham gia các hoạt động Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO và hợp tác quốc tế nhằm mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các CVĐC tiềm năng và CVĐC Toàn cầu UNESCO để kết nối thúc đẩy hợp tác về các mặt KT - XH giữa Cao Bằng với các địa phương của các quốc gia CVĐC trên thế giới. Khai thác vận hành thí điểm đón khách du lịch vào khu cảnh quan thác Bản Giốc (Trùng Khánh) theo Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc). Tổ chức Hội nghị “Giới thiệu Cao Bằng điểm đến - kết nối và phát triển” tại Hà Nội.

Nguuồn tin: Báo Cao Bằng điện tử - baocaobang.vn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu