Mỗi thầy cúng người Dao đều sở hữu một bộ tranh thờ Tam Thanh, đây là một trong những hành trang hành nghề không thể thiếu của các thầy. Phần lớn đây là tranh cổ được truyền lại từ nhiều đời. Tranh thờ do các thợ vẽ của người Dao thực hiện.
Trong cộng đồng người Dao ở Cao Bằng hiện có 4 nghệ nhân thực hành nghề vẽ tranh thờ, các nghệ nhân cư trú ở 2 huyện Hà Quảng, Nguyên Bình. Trong 4 nghệ nhân đang thực hành nghề vẽ tranh thờ, có 3 nghệ nhân thuộc dòng họ Đặng. Ông Đặng Phụ Toòng, xóm Thượng Hà, xã Thanh Long (Hà Quảng) vẽ tranh thờ đã 65 năm, đây là nghề gia truyền của gia đình họ Đặng, ông biết vẽ tranh thờ do cha truyền dạy.
Để tạo ra một bộ tranh, người thợ cần sử dụng các nguyên liệu giấy bản, vải mộc, màu vẽ. Giấy vẽ tranh là loại giấy mịn, mỏng, dai, đó là loại giấy được người Nùng An làm từ vỏ cây mạy sla, với kỹ thuật và kinh nghiệm truyền thống người Nùng An đã tạo ra loại giấy bản bền màu theo thời gian. Ông Toòng cho biết: Gia đình ông thường đến xóm Lũng Quang, xã Ngọc Động để đặt mua giấy; vải trắng sẽ ra chợ chọn loại vải mịn, mỏng và thấm nước, khi vẽ sẽ ăn màu, đảm bảo màu vẽ không bị loang. Chọn vải kém chất lượng thì không vẽ được, màu loang hỏng hình muốn thể hiện.
Dụng cụ vẽ tranh gồm: bộ bút vẽ tranh thờ từ 10 - 12 chiếc, có đủ cỡ. Khuôn định dạng hình các vị thần. Để có bộ khuôn chuẩn, ông Toòng vẽ một bộ tranh chuẩn rồi cắt lấy hình, sau đó dùng bìa cứng hoặc các chất liệu bền khác để dán đệm cho khuôn cứng, thuận tiện khi sử dụng. Họa công trong dòng họ Đặng ở Hà Quảng và Nguyên Bình đều vẽ tranh thờ theo khuôn mẫu tự tạo, đó là sự sáng tạo để các bức vẽ tạo hình các vị thần luôn đạt chuẩn theo quy phạm của người Dao.
Ông Đặng Phụ Toòng quết bột ngô để dán giấy.
Để tạo được một bức tranh, đầu tiên người thợ sử dụng kỹ thuật bồi giấy, chất liệu để tạo sự kết dính giữa các lớp giấy và vải là bột ngô. Ngô tẻ đem xay mịn, sàng lọc lấy tinh bột rồi đem quấy với nước đặt lên bếp đun sôi để nhỏ lửa, khi ngô chín sẽ ở dạng sền sệt. Người thợ sử dụng chổi nhỏ tự tạo bằng sợi rơm nếp, quết bột ngô lên giấy, giấy phải trải trên mặt phẳng. Khi quết bột ngô thì cẩn trọng từ từ sao cho giấy không bị nhăn, bột ngô quết đều vừa phải, không dày, không mỏng rồi đặt tiếp một lớp giấy bản lên, đặt nhẹ nhàng, khéo léo để trùng khít với tờ bên dưới, để làm được điều này khi cắt giấy các tờ phải có kích thước giống nhau. Chờ cho lớp giấy, bột ngô khô và kết dính thì người thợ mới tiếp tục quết bột ngô thêm lớp mới, thời gian bồi giấy nhanh hay chậm phụ thuộc vào thời tiết, nếu không khí khô thoáng thì trong một ngày người thợ bồi được khoảng năm tờ tranh. Để có được một bộ tranh sử dụng tốt, bền thì lớp trên cùng luôn là vải.
Theo ông Toòng, tranh vẽ trên vải màu đẹp và bền nhất. Việc bồi vải trên giấy đòi hỏi người thợ phải tỷ mỉ, nhẹ nhàng vuốt bột ngô, chờ đến độ vừa phải, đảm bảo bột có độ kết dính thì đặt lớp vải lên vuốt nhẹ, để vải ăn vào bột ngô đảm bảo có độ phẳng, tuyệt đối không có nếp nhăn, như thế nền vẽ mới hoàn chỉnh khi vẽ tạo tờ tranh hoàn hảo. Tranh của người Dao gồm hai loại, một loại chỉ vẽ trên giấy, một loại vẽ trên nền vải lót giấy. Tùy thuộc theo ý của người đặt bộ tranh, người thợ sẽ tạo chất liệu của tranh tùy thuộc theo tâm nguyện của khách. Vì vẽ tranh trên vải khó hơn trên giấy nên tranh vẽ trên nền vải có giá thành cao hơn.
Màu sắc trong bộ tranh thờ của người Dao rất tươi sáng, thể hiện sinh động về các vị thần. Từ thuở xưa khi chưa có đủ màu bán sẵn người thợ phải tự tạo màu để vẽ tranh. Để tạo màu vàng thợ vẽ tranh sử dụng da bò sơ chế sạch sẽ rồi đem vào nồi, cho nước và đặt lên bếp củi đun nhiều giờ cho da bò nát nhừ tạo thành cao, sau đó lấy củ nghệ tươi giã nát lọc lấy nước trộn với cao da bò sẽ có màu vàng tươi sáng, cao da bò kết hợp với nghệ, khi vẽ người thợ hòa chút nước rồi dùng bút chấm màu để vẽ. Để có màu đen người thợ sử dụng da trâu hoặc da bò nấu thành cao rồi cạo nhọ nồi hòa với cao tạo màu đen. Đặc biệt để cao da bò trộn tạo màu thì phải có tro của đá lấy ở hang.
Ông Đặng Phụ Toòng vẽ tranh thờ.
Tranh thờ người Dao thường vẽ theo bộ, đầu tiên người thợ vẽ khung xương, mỗi một tờ tranh có mẫu khung sẵn, người thợ trải tranh lên bàn, vuốt cho phẳng rồi đặt khung lên giấy, chỉnh cho khung thẳng theo khổ giấy và sử dụng bút chì để phác họa theo khung, lần lượt các tờ tranh đều được vẽ khung. Sau đó người thợ kiểm tra, chỉnh sửa các nét vẽ cho khung, đảm bảo các đường nét trên tranh chuẩn như bộ tranh mẫu.
Là tranh thờ nên người thợ không tùy tiện vẽ theo ý thích mà vẽ theo thứ bậc từ cao đến thấp của các vị thần. Đầu tiên người thợ sẽ phác thảo nét vẽ tranh Ngọc Hoàng (tiếng dao là Nhụn Hùng) rồi thứ tự vẽ hình các vị thần Sình chiêu, Nhuần xỉ, Lình pu, Tồ ta, Pò câu, Thìn phâu, Tẩy phâu, Trang thiên, Trang tử, Hồi pham, Chiều zuần xí...
Với người Dao, tranh thờ vô cùng linh thiêng, người giữ tranh thờ phải là người đã được thụ lễ cấp sắc, nghề vẽ tranh thờ cũng vậy, người thợ chỉ được vẽ tranh khi đã thụ lễ quá tang (lễ ba đèn) khi thực hiện bộ tranh từ lúc cắt giấy tạo khổ tranh đến lúc vẽ người thợ vẽ phải xem ngày đẹp, ngày đó phù hợp với tuổi chủ nhân của bộ tranh.
Để hoàn thành một bộ tranh giao cho người đặt phải xem ngày sáu lần. Khi bắt đầu vẽ tranh người thợ phải xem ngày đẹp, phù hợp với tuổi của người đặt bộ tranh. Khi vẽ đến các chi tiết như miệng, mắt phải chọn ngày đẹp mới được vẽ. Thực hiện một bộ tranh người thợ phải xem ngày ở các bước sau: một là ngày cắt giấy, định dạng tờ tranh; hai là ngày dán giấy (hồ giấy); ba là ngày vẽ khung xương các vị thần; bốn là ngày tô màu áo (khoác áo cho các vị thần); năm là ngày điểm mắt và tô màu cho mắt các thần; sáu là chủ nhân đến nhận bộ tranh.
Lễ khai quang tranh thờ.
Để hoàn thành một bộ tranh 25 bức, ông Toòng thực hiện từ 3 - 6 tháng. Tranh mới vẽ trước khi mang đi thực hiện nghi lễ người chủ của bộ tranh phải làm lễ khai quang (tiếng Dao là “khỏi vang”) cho tranh. Nghi lễ được thực hiện trước bàn thờ, đồ lễ gồm gà, vịt, lợn. Sau khi tranh được treo quanh bàn thờ, hương đã thắp người chủ lễ khấn rằng: “Hôm nay chọn ngày lành, chủ nhân về bản chúng tôi, gia đình xin mời các vị thần về nhập hồn vào tranh để cai quản và thực hiện các nghi lễ tâm linh của người Dao”. Lần lượt thứ tự từng tranh được đọc tên từng vị thần bao gồm cả vị trí, chức sắc, đọc đến đâu người chủ lễ cầm ngọn đuốc làm bằng giấy bản soi đến đó.
Cuối cùng, người chủ lễ xin các vị thần trong tranh phù hộ cho chủ nhân bộ tranh và người đã tạo ra bộ tranh mạnh khỏe, bình an… và kết thúc lễ khai quang. Sau lễ khai quang bộ tranh sẽ được sử dụng trong các nghi lễ tâm linh của cộng đồng người Dao. Việc vẽ tranh thờ đòi hỏi người thực hành phải có năng khiếu hội họa, tính cẩn trọng, tỉ mỉ, kiên trì và là nam giới, do đó việc truyền nghề trong cộng đồng dân tộc Dao không dễ. Vì vậy, việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy kỹ thuật thủ công và quá trình thực hành kỹ thuật vẽ là điều cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Nguồn tin: Báo Cao Bằng điện tử - baocaobang.vn