Các đại biểu tham dự Chương trình.
Tham dự có đại diện Lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh; Lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh; đại diện Lãnh đạo UBND, phòng VHTT các huyện, thành phố; các phòng, đơn vị liên quan trực thuộc Sở VHTTDL; Lãnh đạo Hiệp hội du lịch và đại diện một số tổ chức kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Đồng chí Sầm Việt An, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VHTTDL phát biểu ôn lại truyền thống 64 năm ngành Du lịch Việt Nam; quá trình hình thành và phát triển của Du lịch Cao Bằng.
Trải qua 64 năm xây dựng và phát triển, ngành Du lịch Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ và đạt nhiều thành quả mang tính toàn diện, sâu sắc, khẳng định vai trò là một ngành kinh tế quan trọng của đất nước.
Với Du lịch Cao Bằng, tháng 5/1994, thành lập Phòng Quản lý Du lịch trực thuộc Sở Thương mại - Du lịch Cao Bằng; tháng 8/2008, tỉnh thành lập Sở VHTTDL trên cơ sở sáp nhập Sở Văn hóa - Thông tin, Sở Thể dục Thể thao và lĩnh vực du lịch thuộc Sở Thương mại - Du lịch. Kể từ ngày thành lập Phòng Quản lý Du lịch đến nay, Du lịch Cao Bằng đã có 30 năm xây dựng và trưởng thành. Trải qua 30 năm, Du lịch Cao Bằng đã có những bước phát triển đáng khích lệ, đạt và duy trì tốc độ tăng trưởng khá, hiệu quả kinh tế - xã hội ngày càng rõ nét.
Thời gian đầu thành lập, cơ sở vật chất kỹ thuật Du lịch Cao Bằng còn nghèo nàn, cả tỉnh chỉ có 02 cơ sở lưu trú: khách sạn Phong Lan và Nhà khách UBND tỉnh (Giao Tế) với khoảng 30 phòng; đến năm 1996, khách sạn Bằng Giang mới được xây dựng; nguồn nhân lực lao động trong ngành Du lịch khoảng 40 người. Đến nay, ngành Du lịch Cao Bằng đã có một bước tiến dài.
Theo thống kê, hiện nay, toàn tỉnh có trên 300 cơ sở lưu trú du lịch với trên 3.100 phòng và khoảng 5.300 giường. Trong đó, có 01 cơ sở đạt tiêu chuẩn 3 sao, 21 cơ sở đạt tiêu chuẩn 2 sao, 71 cơ sở đạt tiêu chuẩn 1 sao, còn lại là các nhà nghỉ, homestay đạt tiêu chuẩn. Lực lượng lao động du lịch phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, toàn tỉnh có tổng số lao động: 6.449 người, trong đó lao động trực tiếp 2.606 người, lao động gián tiếp 3.843 người. Công tác quản lý nhà nước về du lịch được củng cố, tăng cường. Lượng khách du lịch đến Cao Bằng có sự gia tăng đáng kể, nếu tính từ năm 2000, lượt khách du lịch chỉ đạt trên 10.000 lượt (trong đó, khách quốc tế hơn 1.000 lượt), thì đến năm 2023 đạt trên 1.900.000 lượt (trong đó, khách quốc tế hơn 34.000 lượt). Về doanh thu du lịch, năm 2010 đạt 49,2 tỷ đồng; năm 2023 là 1.334 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng lượt khách du lịch đạt: 1.033.577 lượt, tăng 10,9% so với cùng kỳ. Cao Bằng lọt top 10 điểm đến thân thiện nhất Việt Nam năm 2024 do nền tảng đặt phòng trực tuyến Booking.com bình chọn. Vừa qua, thác Bản Giốc là đại diện duy nhất của Việt Nam được tạp chí du lịch quốc tế (Travel + Leisure) bình chọn là một trong 21 thác nước đẹp nhất thế giới. Đây là dấu hiệu cho thấy Du lịch Cao Bằng đang phát triển mạnh mẽ. Tin tưởng ngành sẽ đạt được mục tiêu đề ra giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời, khẳng định Du lịch Non nước Cao Bằng xứng đáng là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn.
Tại chương trình, thay mặt Lãnh đạo Sở VHTTDL, đồng chí Tô Thị Trang, Phó Giám đốc Sở đã phát động Cuộc thi sáng tác biểu trưng (Logo) và khẩu hiệu (Slogan) Du lịch Cao Bằng. Cuộc thi nhằm tạo bộ nhận diện thương hiệu Du lịch Cao Bằng, đưa hình ảnh Du lịch Cao Bằng xuất hiện ấn tượng, chuyên nghiệp trên các sản phẩm du lịch và trên các phương tiện thông tin truyền thông, hấp dẫn du khách.
Đồng chí Tô Thị Trang, Phó Giám đốc Sở VHTTDL phát động Cuộc thi sáng tác biểu trưng (Logo) và khẩu hiệu (Slogan) Du lịch Cao Bằng.
Các đại biểu tham dự chương trình đã thảo luận các nội dung: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; tăng cường, phối hợp thực hiện công tác quản lý, xúc tiến, quảng bá du lịch; công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực du lịch; tích cực khai thác loại hình du lịch văn hóa; phát huy tiềm năng, thế mạnh của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng; thông tin một số nội dung Cuộc thi sáng tác biểu trưng (Logo) và khẩu hiệu (Slogan) Du lịch Cao Bằng…
Các đại biểu tham gia thảo luận tại Chương trình.
Đây là dịp ôn lại truyền thống, thành tựu 64 năm xây dựng và trưởng thành của ngành Du lịch Việt Nam; quá trình thành lập và phát triển ngành Du lịch Cao Bằng. Qua đó, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của ngành Du lịch trong hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao nhận thức, niềm tin, tự hào về ngành Du lịch; tạo động lực cổ vũ, động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành phát huy truyền thống đoàn kết, nâng cao tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, phát huy hiệu quả trong công tác phát triển Du lịch Cao Bằng.
Phòng TTDL