Ấn tượng bản sắc địa phương tại các cơ sở lưu trú du lịch

23/07/2024 188 0
Cơ sở lưu trú là phương tiện mà mọi du khách đều cần trong chuyến du lịch. Việc đưa bản sắc địa phương vào cơ sở lưu trú là một cách tạo ấn tượng, khiến du khách thích thú, nhớ về những nơi đã từng đi qua.

Lâu nay, nói về sức hút của điểm đến du lịch, nhiều người nghĩ ngay đến tài nguyên, sản phẩm du lịch hay cảnh quan văn hóa - lịch sử… Song, trong bối cảnh du lịch đứng trước sự cạnh tranh gay gắt, các yếu tố trên vẫn còn thiếu để làm nên sức hút với khách nếu chưa nhắc đến dấu ấn địa phương. Hiện nay, các cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng đưa bản sắc văn hóa địa phương đến gần hơn với du khách như trang trí bằng các vật liệu truyền thống của địa phương, trang phục, đồ dùng,…

Anh Nguyễn Văn Lộc, khách du lịch đến từ Hà Nội chia sẻ: Tôi đi du lịch ở nhiều nơi, mỗi nơi đều có những vẻ đẹp riêng, ẩm thực riêng. Ở Cao Bằng, điều làm tôi thú vị nhất là dấu ấn, bản sắc văn hóa địa phương.

Một trong những lý do thu hút du khách tìm hiểu về điểm du lịch làng đá cổ Khuổi Ky (Trùng Khánh) là những homestay mang đậm bản sắc của dân tộc Tày. Những ngôi nhà sàn làm bằng đá cổ - nơi cư trú của đồng bào Tày được nâng cấp để đón du khách. Các homestay luôn được người dân chỉnh trang, dọn dẹp, kết hợp trang trí, tạo các điểm nhấn hấp dẫn khách du lịch. Cổng nhà, hàng rào hay một số vật dụng đều được làm bằng đá vừa tận dụng vật liệu sẵn có tại địa phương vừa tạo cảm giác gần gũi với du khách. Mỗi cái riêng của từng chủ nhà được thể hiện qua cách bài trí, tạo cho mỗi homestay có một không gian cảm xúc. Đó là nỗ lực rất đáng trân trọng để mỗi homestay trở thành một nơi lưu giữ về văn hóa bản địa, văn hóa “lưu trú tại nhà dân” đúng chất homestay.

Người dân làng đá cổ Khuổi Ky đưa những nét văn hóa địa phương vào cơ sở lưu trú.

Các homestay có tính bản địa chú trọng thổi hồn vào yếu tố kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật, cách thức trang trí... Nơi đó có gì đặc sắc thì phải lựa chọn đưa vào, một ngôi nhà bằng tre, nứa, gỗ sẽ mang lại cảm giác ấm cúng, hòa quyện với tự nhiên của đồi núi, khách sẽ rất thích ở. Nhất là bên trong ngôi nhà ấy chứa đựng những câu chuyện văn hóa chân thật thông qua cuộc sống sinh hoạt, những cuộc chuyện trò, tương tác thú vị giữa khách và chủ.

Đến với khu dịch vụ lưu trú Bản Nhỏ, tổ 5, phường Ngọc Xuân, chỉ cách 3 km từ trung tâm Thành phố với 10 phút lái xe, du khách sẽ cảm nhận được điều thú vị của cơ sở lưu trú này. Nơi đây được xây dựng bằng vật liệu địa phương tại những làng nghề ở Cao Bằng: làm ngói, dệt vải thổ cẩm - nhuộm chàm, tre… tạo cảm giác thân thuộc, mộc mạc. Đây là một nơi nghỉ dưỡng được chăm chút kỹ lưỡng từ không gian, nội thất với sự hòa hợp tuyệt vời từ thiên nhiên, vị trí ngắm toàn cảnh thành phố Cao Bằng. Nhấp nhô mái ngói, tường gạch - một không gian nghỉ dưỡng bình dị, Bản Nhỏ gợi lên một ngôi làng miền núi phía Bắc, được tách biệt khỏi đô thị hối hả, là nơi thư giãn, nạp năng lượng cho những ai đặt chân tới.

Vật liệu công trình sử dụng gạch không nung, mái ngói, tre trúc tự nhiên..., hướng tới thiết kế xanh, hòa mình vào thiên nhiên và tối giản nhất. Những vật liệu địa phương dường như hài hòa về cả công năng lẫn thẩm mỹ, màu cam đất của ngói, màu vàng óng của tre, màu đá rối ánh đỏ… tất cả hòa quyện tạo hiệu ứng bất ngờ. Chị Đặng Minh Anh, chủ khu lưu trú Bản Nhỏ cho biết: Nhiều du khách nước ngoài, trong đó có những khách hàng của tôi khi du lịch Việt Nam thường có lựa chọn nơi ở dân dã, giàu bản sắc văn hóa. Mô hình lưu trú này hấp dẫn họ vì yếu tố trang trí và sự trải nghiệm.

Việc đưa bản sắc địa phương vào các cơ sở lưu trú đang và sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai. Thông qua đó, vừa bảo tồn, gìn giữ được bản sắc văn hóa của địa phương, vừa quảng bá, đưa thông tin đến khách du lịch một cách tự nhiên nhất.

Nguồn tin: Báo Cao Bằng điện tử - baocaobang.vn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu