Thu hoạch sáp ong khoái tự nhiên, độc đáo riêng có ở Hoài Khao

25/07/2024 190 0
Xóm Hoài Khao thuộc xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Xóm được thiên nhiên ban tặng những tổ ong khoái tự nhiên trong rừng sâu, là báu vật riêng có ở Hoài Khao.

Những tổ ong khoái bám trên hang đá tự nhiên trong rừng ở Hoài Khao.

Xóm Hoài Khao có khoảng 34 hộ đều là đồng bào Dao Tiền. Xóm có 2 khu ong khoái về làm tổ là Chán Vềnh và Tà Lạc, mỗi khu có khoảng 30 tổ. Ong khoái làm tổ trên những vách đá trong rừng ở độ cao khoảng 20m - 30m so với mặt đất.

Thu hoạch sáp ong khoái ở trong rừng

Thông thường vào tháng 7 Âm lịch hằng năm, người Dao Tiền xóm Hoài Khao tổ chức thu hoạch tổ ong khoái để nấu thành sáp ong nguyên chất. Tuy nhiên năm nay do thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều nên đàn ong bay đi sớm, bà con thu hoạch sáp ong sớm hơn.

Những tổ ong khoái to khoảng 1m - 1,5m

Theo ông Nông Quốc Chấn, Chủ tịch UBND xã Quang Thành, vừa qua Trung tâm Nghiên cứu ong và nuôi ong nhiệt đới thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu, giám định loài ong ở Hoài Khao. Theo kết quả giám định, loài ong làm tổ trên 2 hang đá ở Hoài Khao là loài ong mật có tên gọi ong đá hay ong khoái đen. Đây là loài ong quý hiếm di cư theo mùa, chính quyền và người dân địa phương luôn có ý thức bảo tồn, gìn giữ loài ong quý hiếm này.   

Điều đặc biệt chỉ có ở Hoài Khao, người dân nơi đây không khai thác mật ong khoái như những địa phương khác, mà chỉ khai thác sáp ong. Khi ong đang làm mật, người dân luôn bảo vệ. Khi hết mùa mật, đàn ong bay đi, người dân tổ chức thu hoạch sáp ong.

Với người dân Hoài Khao, ngày thu hoạch sáp ong vui như ngày hội, mỗi năm chỉ diễn ra một lần. Để công việc thu hoạch sáp ong diễn ra thuận lợi, xóm chia thành nhiều tổ để thực hiện những nhiệm vụ khác nhau như: tổ trèo hang đá, tổ thu sáp ong, tổ nấu bếp, tổ lấy củi, tổ phân loại, tổ đun nấu… Việc thu hoạch sáp ong được tiến hành từ sáng sớm, người dân cùng nhau vào rừng để thu hoạch sáp ong. Tại khu vực hang ong, trước khi thu hoạch, thầy cúng sẽ thực hiện nghi thức cúng thần rừng, cảm ơn thần rừng đã che chở cho dân làng, cầu đàn ong sang năm quay lại xây tổ làm mật. Sau đó, những nam giới khỏe mạnh, khéo léo trèo lên vách hang đá, cành cây để chọc những tổ ong rơi xuống bên dưới. Những người phụ nữ ở phía dưới thì thu những tảng sáp ong, buộc gọn lại để mang về nơi tập kết tại xóm. Những tổ ong khoái khá to, có đường kính từ 1m - 1,5m.

Người dân Hoài Khao gánh trên vai sáp ong khoái từ trong rừng về tập kết tại nhà văn hóa xóm.

Sáp ong vận chuyển từ rừng về được tập kết tại nhà văn hóa xóm. Tại đây, sáp ong được phân loại, tiến hành các bước đun, ép, lọc để tạo ra sáp ong nguyên chất. Sau khi phân loại, bỏ đi những phần hỏng, sáp ong được đem vào chảo lớn để nấu. Trong quá trình nấu, những người phụ nữ phải đảo liên tục tránh bị cháy và để sáp tan đều. Nấu đến khi sôi thì mang sáp vào sọt ép, tinh chất sáp ong và nước lọt xuống dưới.

Nơi tập kết sáp ong khoái

Qua nhiều lần đun nấu, ép, lọc sẽ thu được sáp ong nguyên chất có màu vàng tinh khiết. Theo chị Lý Thị Vàng, xóm Hoài Khao, sáp ong nguyên chất thu được chia đều cho tất cả các hộ gia đình trong xóm, tùy theo tổng lượng sáp ong thu được, mỗi gia đình được khoảng 1,5 đến 2kg để in hoa văn trang trí lên vải của phụ nữ Dao Tiền, đủ dùng cho cả năm.

Phân loại sáp ong.

 

ảnh Nam

Sáp ong cho vào chảo lớn để đun, qua ép, lọc để tạo thành sáp ong nguyên chất vàng óng.

Quá trình thu hoạch, chế biến sáp ong được thực hiện liên tục cả ngày lẫn đêm, quá trình này mất khoảng 2 ngày. Trong 2 ngày thu hoạch sáp ong, người dân góp gà, gạo, rau để nấu cơm ăn chung tại nhà văn hóa xóm. Đây là dịp để tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó, cố kết cộng đồng của người Dao Tiền ở Hoài Khao. Cũng là dịp để thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Du khách tìm hiểu các sản phẩm nông sản địa phương tại Lễ hội Ong đá bản Dao cổ Hoài Khao xã Quang Thành năm 2024.

Dịp này, từ ngày 17/7 - 21/7/2024, huyện Nguyên Bình tổ chức Lễ hội Ong đá bản Dao cổ Hoài Khao xã Quang Thành năm 2024 với nhiều hoạt động phong phú như: trình diễn trích đoạn lễ cấp sắc người Dao Tiền; trải nghiệm các trò chơi dân gian; trưng bày các sản phẩm nông sản địa phương, ẩm thực truyền thống; thi hát dân ca, giao duyên; trải nghiệm ngâm chân thảo dược truyền thống; trải nghiệm bắt cá chép ruộng; trải nghiệm thu hoạch sáp ong, in hoa văn bằng sáp ong… Hoạt động đã góp phần tuyên truyền, quảng bá, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của người Dao Tiền ở Hoài Khao gắn với phát triển du lịch; thu hút sự quan tâm của khách du lịch trong nước và quốc tế đến trải nghiệm.

Hoài Nam

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu