Phát triển nghề thủ công truyền thống gắn với du lịch bền vững trong vùng Công viên địa chất Non nước Cao Bằng

17/10/2024 315 0
Từ bao đời nay, nghề thủ công truyền thống không chỉ lưu giữ những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc mà còn là sinh kế góp phần bảo đảm đời sống cho người dân làng nghề. Thời gian qua, các cơ sở đối tác của Công viên địa chất (CVĐC) Non nước Cao Bằng đẩy mạnh hoạt động phát triển nghề thủ công truyền thống gắn với du lịch bền vững, qua đó đóng góp tích cực vào công tác quảng bá, xúc tiến du lịch vùng CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 21 làng nghề truyền thống, trong đó có 8 làng nghề được UBND tỉnh công nhận. Với sự quan tâm kịp thời của các cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng, đặc biệt là sự đồng hành, hỗ trợ của Ban Quản lý (BQL) CVĐC Non nước Cao Bằng trong công tác bảo tồn làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch và cải thiện sinh kế cho người dân, các cơ sở đối tác của BQL CVĐC Non nước Cao Bằng không ngừng nâng cao kỹ năng phục vụ du lịch cũng như ý thức bảo tồn nghề truyền thống trong bối cảnh hội nhập. Kế thừa những kỹ thuật thủ công truyền thống trong quy trình sản xuất, người dân tại các làng nghề tiếp tục học tập, trau dồi kinh nghiệm để cải tiến, đa dạng mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất và con người tại địa phương. Bên cạnh đó, tăng cường giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng truyền thông, hội chợ triển lãm, sự kiện du lịch, sự kiện mạng lưới CVĐC trong nước và khu vực… Đặc biệt, chú trọng bảo tồn, phát huy thế mạnh về giá trị văn hóa đặc trưng, các phong tục tập quán, lễ hội, giá trị về cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc, di tích lịch sử, đồng thời đa dạng các hoạt động trải nghiệm du lịch hấp hẫn, lý thú. Qua đó, không chỉ mang đến sức sống mới cho nghề thủ công truyền thống mà còn góp phần quảng bá các di sản của CVĐC Non nước Cao Bằng tới du khách trong nước và quốc tế.

Du khách tham quan, trải nghiệm nghệ thuật in hoa văn bằng sắp ong tại làng du lịch cộng đồng xóm Hoài Khao, xã Quang Thành (huyện Nguyên Bình).

Thời gian gần đây, một số điểm du lịch cộng đồng, điểm du lịch làng nghề trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng đã tận dụng lợi thế sẵn có để khai thác tiềm năng du lịch; bước đầu trở thành điểm đến thu hút du khách, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần “đánh thức” tiềm năng nội tại của địa phương, điển hình như: điểm du lịch cộng đồng Pác Rằng, xã Phúc Sen (Quảng Hoà); làng giấy bản Dìa Trên, xã Phúc Sen (Quảng Hoà); làng hương Phja Thắp, xã Phúc Sen (Quảng Hoà); xưởng dệt thổ cẩm Luống Nọi, xã Ngọc Đào (Hà Quảng); xưởng thêu thổ cẩm người Dao, xóm Nà Chắn, xã Hoa Thám (Nguyên Bình), làng du lịch cộng đồng xóm Hoài Khao, xã Quang Thành (Nguyên Bình)

BQL CVĐC Non nước Cao Bằng hướng dẫn bà con tạo dấu ấn riêng cho sản phẩm tại làng giấy bản Dìa Trên (huyện Quảng Hoà).

Để nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ, các cơ sở đối tác của CVĐC Non nước Cao Bằng tại làng giấy bản Dìa Trên đã hợp tác với doanh nghiệp xã hội Zó project, áp dụng kỹ thuật seo giấy chất lượng cao theo hướng dẫn của nghệ nhân làng giấy dó Bắc Ninh; nghiên cứu truyền tải yếu tố văn hóa dân tộc vào sản phẩm; đa dạng kích thước, khổ giấy, sáng tạo nhiều mẫu mã sản phẩm giấy bản như: quạt giấy, bì thư, tranh thư pháp, tranh vẽ, sổ tay, hoa giấy... Nhóm chị em phụ nữ chia sẻ lợi ích phát triển làng nghề thành lập nhóm sản xuất, phân công nhiệm vụ giữa các thành viên; duy trì trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao tay nghề; triển khai không gian trải nghiệm, kệ bày bán sản phẩm từ giấy bản và nông sản địa phương…

Anh Nông Văn Thành, làng giấy bản Dìa Trên, xã Phúc Sen (Quảng Hòa), đối tác của CVĐC Non nước Cao Bằng cho biết: Khôi phục và phát triển nghề làm giấy bản thủ công truyền thống gắn với các hoạt động du lịch trải nghiệm đưa thương hiệu giấy bản Dìa Trên cũng như bản sắc văn hoá dân tộc của người Nùng An đến gần hơn với du khách. Hiện tại, trung bình mỗi tháng làng giấy bản Dìa Trên đón tiếp khoảng 20 - 30 đoàn khách đến tham quan, tham gia trải nghiệm các công đoạn làm giấy bản và sản xuất sản phẩm thủ công… góp phần cải thiện thu nhập cho các hộ làm nghề.

Kệ bày bán sản phẩm từ giấy bản tại làng giấy bản Dìa Trên, xã Phúc Sen (huyện Quảng Hoà).

Xuất phát từ lòng nhiệt huyết với mong muốn bảo tồn, phát triển nghề thủ công truyền thống của quê hương, ngoài sản phẩm hương Phja Thắp truyền thống, anh Hoàng Văn Thuỷ, xóm Phja Thắp, xã Phúc Sen (Quảng Hoà), đối tác tiềm năng của CVĐC Non nước Cao Bằng đã nghiên cứu, thử nghiệm sản xuất các dòng nụ hương, nén hương dùng trong thiền định, thư giãn, thanh lọc không khí, đuổi côn trùng… Trong thời gian tới, anh Thuỷ tiếp tục cải tiến chất lượng, hoàn thiện mẫu mã, thiết kế bao bì sản phẩm để hương Phja Thắp không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng đơn thuần mà còn trở thành món quà tặng giá trị trong cuộc sống hiện đại, phù hợp với nhu cầu của thị trường và khách du lịch. Bên cạnh đó, gia đình anh Thuỷ còn tích cực phối hợp với chính quyền xóm, xã và một số hộ dân tham gia vào các hoạt động thúc đẩy phát triển du lịch tại xóm Phja Thắp như: xây dựng không gian trải nghiệm, điểm check in, gian hàng bày bán sản phẩm… góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ du lịch tại địa phương.

Với chất lượng và tính độc đáo mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc, các sản phẩm hương Phja Thắp, giấy bản Dìa Trên, thổ cẩm Luống Nọi được UBND tỉnh lựa chọn làm quà tặng dành cho các đại biểu tham dự Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APGN) năm 2024 tại Cao Bằng. Các hoạt động trải nghiệm du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề để lại những ấn tượng đẹp, những kỷ niệm đáng nhớ cho du khách trong chuyến hành trình khám phá miền Non nước Cao Bằng.

Đoàn đại biểu tham dự Hội nghị APGN lần thứ 8 tham quan tại làng hương Phja Thắp, xã Phúc Sen (huyện Quảng Hoà).

Phát triển nghề thủ công truyền thống gắn với du lịch bền vững không chỉ giúp quảng bá thương hiệu sản phẩm mà còn tạo liên kết giữa làng nghề với các địa danh, địa chỉ văn hóa du lịch. Từ đó góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của nghề thủ công truyền thống, thúc đẩy tiềm năng du lịch của CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội và công cuộc giảm nghèo bền vững của cộng đồng địa phương.

Tác giả bài viết: Lương Thảo

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu