Dìa Trên - Nơi giấy bản kể chuyện

12/11/2024 383 0
Ẩn mình giữa núi rừng hùng vĩ của Cao Bằng, bản Dìa Trên, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm giấy bản truyền thống. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, nơi đây vẫn lưu giữ những giá trị văn hóa độc đáo được thể hiện qua bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của đồng bào dân tộc Nùng.

Dìa Trên là một điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình khám phá tuyến phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên” của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Tọa lạc trong một thung lũng yên bình, bản Dìa Trên như một bức tranh thủy mặc với những ngôi nhà sàn truyền thống lợp ngói âm dương. Nơi đây, nghề làm giấy bản đã tồn tại hàng trăm năm, được truyền từ đời này sang đời khác. Nguyên liệu chính làm giấy bản là cây Mạy Sa, một loại cây dại mọc trên sườn núi. Qua bàn tay khéo léo của người dân, vỏ cây Mạy Sa được biến hóa thành những tờ giấy mỏng, dai và mịn.

Đến thăm hộ làm giấy bản của gia đình bà Nông Thị Kính, du khách như lạc vào một thế giới khác - nơi có những câu chuyện độc đáo kể về giấy bản. Tại đây, chị Kính cũng đã chia sẻ bí quyết để tạo ra những tờ giấy bản hoàn hảo: Đầu tiên là công đoạn lột bỏ vỏ đen bên ngoài và giữ lại lớp thân màu trắng bên trong. Tiếp đến, phần thân màu trắng được ngâm vào nước cho mềm, sau đó mới trộn với vôi tôi trong bể chứa. Lưu ý, hỗn hợp sau đó cần ninh dừ từ hai đến ba tiếng, rồi đem ngâm ngoài suối trong 12 tiếng, mới được đem về đập nhuyễn trong khoảng 1 tiếng để chất giấy đẹp hơn. Tiếp đó, hỗn hợp được cho vào máng nước khuấy tan thành bột và trộn với chất keo từ thiên nhiên là có thể seo dung dịch trên thành từng tờ giấy. Từng tờ giấy sau đó được phơi lên đến lúc khô. Vậy là những tờ giấy bản đã được ra đời sau những công đoạn vô cùng tỉ mỉ và cẩn thận của người thợ.

Chị Nông Thị Kính đang tiến hành công đoạn đập nhuyễn cây Mạy Sa để tạo ra thành phẩm hoàn hảo nhất.

Du khách được hướng dẫn để thực hành công đoạn khuấy tan hỗn hợp thành bột.

Công đoạn seo dung dịch hỗn hợp thành từng tờ giấy bản.

Du khách tìm hiểu về công đoạn ép nước ra khỏi những lớp giấy bản.

Du khách thực hành công đoạn phơi giấy bản.

Công đoạn thu những tờ giấy bản thành phẩm đã khô.

Đến với Dìa Trên, du khách không chỉ được tận mắt chứng kiến quy trình làm giấy bản truyền thống mà còn có cơ hội tự tay trải nghiệm những công đoạn đơn giản như: giã bột giấy, seo giấy, phơi giấy... Đây chắc chắn sẽ là một trải nghiệm vô cùng thú vị và ý nghĩa, giúp du khách hiểu rõ hơn về giá trị của những sản phẩm thủ công và trân trọng hơn những gì mà người dân nơi đây đã tạo ra.

Du khách thích thú khi được trải nghiệm nghề làm giấy bản và check in tại Dìa Trên.

Theo chị Lê Vũ Minh Trang, một du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Tôi rất ấn tượng với sự tỉ mỉ và kiên nhẫn của người dân nơi đây. Việc được tự tay làm giấy bản đã giúp tôi hiểu rõ hơn về giá trị của những sản phẩm thủ công.

Từ những tờ giấy bản mộc mạc, người dân Dìa Trên đã sáng tạo ra rất nhiều sản phẩm độc đáo và mang đậm nét văn hóa truyền thống như: quạt giấy, sổ tay, tranh vẽ, chữ thư pháp, hoa giấy, túi xách... Mỗi sản phẩm đều mang một vẻ đẹp riêng, thể hiện sự tài hoa và tâm hồn của người nghệ nhân.

Các sản phẩm độc đáo và mang đậm nét văn hóa truyền thống được sáng tạo trên nền giấy bản.

Đặc biệt, những sản phẩm từ giấy bản Dìa Trên được du khách nước ngoài rất yêu thích. Họ tìm đến Dìa Trên không chỉ để mua những món quà lưu niệm mà còn để khám phá một nét đẹp văn hóa độc đáo của Việt Nam.

Với giá trị văn hóa đặc sắc và cảnh quan thiên nhiên hữu tình, Dìa Trên đang trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn. Du khách đến đây không chỉ được trải nghiệm những hoạt động thú vị mà còn có cơ hội hòa mình vào cuộc sống thường ngày của người dân địa phương, thưởng thức những món ăn đặc sản và tìm hiểu về văn hóa của người bản địa.

Để bảo tồn và phát triển nghề làm giấy bản truyền thống, chính quyền địa phương và người dân Dìa Trên đã có nhiều nỗ lực. Việc một số hộ sản xuất giấy bản tại đây được công nhận là đối tác của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng đã mở ra nhiều cơ hội mới cho địa phương. Nhờ đó, Dìa Trên đã thu hút được nhiều du khách hơn, góp phần nâng cao đời sống của người dân và bảo tồn nghề truyền thống.

Dìa Trên không chỉ là nơi lưu giữ nghề truyền thống mà còn là điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn. Đến với Dìa Trên, du khách sẽ được trải nghiệm những điều thú vị và khám phá giá trị văn hóa độc đáo. Do vậy, cần cùng nhau chung tay bảo tồn và phát triển nghề làm giấy bản truyền thống, để những giá trị văn hóa quý báu này mãi được lưu truyền.

Tác giả bài viết: Hoài Niệm

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu