Triển khai khảo sát, nghiên cứu, xây dựng mô hình bảo tồn, phát triển môn đánh yến vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Bảo Lâm gắn với phát triển du lịch

02/12/2024 25 0
Ngày 28/11/2024, tại xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp UBND huyện Bảo Lâm tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả khảo sát, thu thập thông tin triển khai nghiên cứu, xây dựng mô hình bảo tồn, phát triển môn đánh yến vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Bảo Lâm gắn với phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng năm 2024.

Tham dự có đồng chí Ngọc Văn Chắn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Cao Bằng; đại diện lãnh đạo UBND huyện Bảo Lâm; đại diện Lãnh đạo một số phòng, ban, đơn vị liên quan.     

Khảo sát xin ý kiến Nhân dân địa phương về môn đánh yến.

Thực hiện kế hoạch tổ chức nghiên cứu, xây dựng mô hình bảo tồn, phát triển môn đánh yến vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Bảo Lâm gắn với phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng năm 2024, trong thời gian 02 ngày, từ ngày 26/11 - 28/11, đoàn công tác Sở VHTTDL đã tiến hành khảo sát, tìm hiểu về môn đánh yến tại các xóm: Cà Mèng, Cà Pẻn A, Cà Pẻn B, Cà Đổng trên địa bàn xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Khảo sát xin ý kiến 120 phiếu điều tra Nhân dân tại địa phương. 100% người tham gia khảo sát đồng ý rằng việc phát triển môn thể thao đánh yến dân tộc là cần thiết để gìn giữ văn hóa truyền thống, phù hợp gắn với phát triển du lịch.

Các đại biểu dự Hội nghị báo cáo kết quả khảo sát.

Môn đánh yến là một trò chơi dân gian truyền thống của Việt Nam, gắn liền với đời sống sinh hoạt cộng đồng tại các làng quê. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện đại hóa, môn này đang dần bị mai một.

Tại tỉnh Cao Bằng, trò chơi đánh yến được đồng bào các dân tộc Cao Bằng, đặc biệt là dân tộc Lô Lô chơi vào những dịp lễ hội, tết. Trò chơi này có từ xa xưa gắn liền đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc, theo thời gian, trò chơi đánh yến dần bị mai một. Hiện nay, còn rất ít người biết chơi trò đánh yến, chủ yếu là những người lớn tuổi, trung niên; thế hệ trẻ đa số không biết đến trò chơi này, do vậy công tác bảo tồn, phát triển môn đánh yến tại địa phương là việc cần thiết.

Quả yến được làm từ những vật liệu quen thuộc trong đời sống hằng ngày của đồng bào dân tộc Lô Lô như: mo tre, ống tre, lông gà...

Đồng chí Ngọc Văn Chắn, Phó Giám đốc Sở VHTTDL phát biểu tại Hội nghị.

Đánh yến thường được chơi theo cặp hoặc theo nhóm, phố biến nhất là 2 người chơi đối diện nhau. Khi chơi, người chơi dùng bàn tay để đánh quả yến qua lại, động tác quả yến cần khéo léo và chính xác. Đánh yến không chỉ là trò chơi thể hiện được sự khéo léo, độ chính xác cao, khả năng phán đoán và sự điêu luyện của đôi tay của người chơi, mà đây còn là sinh hoạt văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, là hình thức kết nối, tăng cường tính tập thể và tinh thần đoàn kết trong cộng đồng. Vào những ngày lễ hội, vui xuân, trò chơi dân gian đánh yến luôn nhận được sự hưởng ứng của tất cả mọi người.

Đại diện Lãnh đạo UBND xã Đức Hạnh phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị các đại biểu đã thảo luận, tham luận một số nội dung, phương pháp, kinh nghiệm, phương hướng phát triển công tác bảo tồn, phát triển môn đánh yến vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng như: Đưa môn đánh yến vào các lễ hội truyền thống của địa phương; đưa trò chơi đánh yến vào các chương trình ngoại khóa tại trường học, giúp học sinh hiểu về văn hóa truyền thống; tổ chức hoạt động trải nghiệm đánh yến cho du khách tại các điểm du lịch văn hóa...

Người dân dân tộc Lô Lô chơi đánh yến.

          Việc triển khai khảo sát, xây dựng mô hình bảo tồn, phát triển môn đánh yến vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng góp phần đưa môn thể thao dân tộc đánh yến trở thành sản phẩm đặc trưng phục vụ khách du lịch tại địa phương, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Hoài Nam

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu