Nhằm đánh giá và thu thập đầy đủ thông tin phục vụ công tác quảng bá, Đoàn khảo sát đã xin chủ trương thực hiện khảo sát, lập kế hoạch chi tiết trước chuyến đi, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đồng thời, chuẩn bị các thiết bị cần thiết như máy ảnh, máy quay phim, thiết bị ghi âm để đảm bảo ghi lại được những hình ảnh và âm thanh chân thực nhất. Đoàn nghiên cứu các tài liệu, sách báo và các nguồn thông tin khác để hiểu sâu hơn giá trị của làng nghề.
Đến các làng nghề đúng dịp đang vào chính vụ làm đường phên, từ đầu làng Đoàn đã thấy mùi thơm ngào ngạt của đường tỏa ra từ các lò sản xuất, các hộ dân tất bật chế biến, vận chuyển nguyên liệu từ cánh đồng mía về làng.
Tại các làng nghề, Đoàn đã quan sát trực tiếp quy trình sản xuất đường thủ công truyền thống, từ khâu khai thác nguyên liệu cho đến khi hoàn thiện sản phẩm. Ngoài việc ghi hình, Đoàn phỏng vấn các nghệ nhân lành nghề để hiểu rõ hơn về lịch sử hình thành, giá trị văn hoá, kinh tế và vai trò của nghề làm đường phên trong đời sống xã hội địa phương, thực trạng phát triển điểm đến du lịch của các làng nghề…
Nghề làm đường phên tại Bó Tờ đã có hàng trăm năm, hiện nay làng nghề có hơn 100 hộ dân làm đường phên. Nhờ các giá trị về văn hoá, kinh tế, làng nghề Đường phên Bó Tờ được công nhận Làng nghề năm 2019. Là một điểm đến nằm trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, nằm ngay gần Quốc lộ 3, từ thị trấn Hòa Thuận xuống thị trấn Tà Lùng, huyện Quảng Hòa thuận tiện di chuyển, làng nghề đã đón nhiều đoàn khách đến khám phá, trải nghiệm.
Khảo sát tại làng nghề Đường phên Bó Tờ.
Làng nghề Đường phên Nà Lếch, xã Mỹ Hưng vừa được công nhận làng nghề tháng 10/2024. Từ Đường tỉnh 208 di chuyển khoảng 4km đến Nà Lếch. Làng nghề có hơn 30 hộ dân làm đường phên từ lâu đời, đây cũng là điểm đến tiềm năng để phát triển du lịch.
Mẻ đường phên sánh mịn với hương thơm ngào ngạt tại Làng nghề Đường phên Nà Lếch.
Nghề sản xuất đường phên không chỉ là công việc mưu sinh mà còn là một phần của di sản văn hóa địa phương. Quy trình sản xuất thủ công với các công đoạn tỉ mỉ, các dụng cụ sản xuất truyền thống, thân thiện môi trường và những câu chuyện gắn liền với nghề đã tạo nên nét đặc trưng riêng có, thu hút sự tò mò của du khách. Bên cạnh đó, không gian thiên nhiên yên bình tại các điểm đến rất thích hợp để du khách khám phá, thư giãn. Sản phẩm đường thủ công từ hai làng nghề có hương vị đặc biệt, thơm ngon hơn hẳn đường công nghiệp, trở thành món quà đặc sản mà du khách luôn yêu thích. Các làng nghề đều thành lập đội văn nghệ, phát huy hiệu quả giá trị dân ca, dân vũ truyền thống, thuận lợi đa dạng hóa dịch vụ du lịch.
Để khai thác tối đa tiềm năng du lịch các làng nghề sản xuất đường nên chú trọng thực hiện một số giải pháp sau: phát triển làng nghề thành điểm đến du lịch, tổ chức các tour du lịch để du khách có cơ hội trải nghiệm làm đường, tìm hiểu quy trình sản xuất và thưởng thức các món ăn đặc sản từ đường; tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa gắn với nghề làm đường nhằm quảng bá hình ảnh làng nghề đến rộng rãi công chúng; nâng cấp cơ sở hạ tầng nhất là giao thông, dịch vụ lưu trú và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho du khách. Liên kết với các điểm đến khác, xây dựng các tour, tuyến du lịch đa dạng, hấp dẫn.
Du khách thích thú trải nghiệm tại làng nghề Nà Lếch.
Làng nghề sản xuất đường phên tại Cao Bằng không chỉ là nơi gìn giữ giá trị truyền thống mà còn chứa đựng tiềm năng lớn trong phát triển du lịch. Với sự kết hợp hài hòa giữa giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và sản phẩm độc đáo, các làng nghề này chắc chắn sẽ trở thành điểm đến lý tưởng, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Việc khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của làng nghề sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương và góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc.
Tác giả bài viết: TTVHTTDL