Cao Bằng công nhận làng nghề truyền thống rèn Phúc Sen năm 2024

02/01/2025 797 0
Vào tháng 12 năm 2024, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng đã ban hành Quyết định số 1712/QĐ-UBND về việc công nhận Nghề truyền thống tỉnh Cao Bằng năm 2024 và Quyết định số 1713/QĐ-UBND về việc công nhận Làng nghề truyền thống Rèn Phúc Sen, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa. Đây là một dấu mốc ý nghĩa, khẳng định giá trị văn hóa và vai trò kinh tế của nghề truyền thống Rèn Phúc Sen trong sự phát triển bền vững của tỉnh.

Quyết định số 1712/QĐ-UBND ngày 10/12/2024 của UBND tỉnh Cao Bằng về việc công nhận Nghề truyền thống tỉnh Cao Bằng năm 2024

Quyết định số 1713/QĐ-UBND ngày 10/12/2024 của UBND tỉnh Cao Bằng về việc công nhận Làng nghề truyền thống Rèn Phúc Sen, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa

Làng nghề rèn Phúc Sen đã có bề dày lịch sử hàng trăm năm, nổi tiếng với các sản phẩm rèn thủ công như: dao, kéo, nông cụ chất lượng cao. Nghề rèn không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân mà còn lưu giữ nét văn hóa độc đáo, phản ánh tinh thần lao động cần cù của người dân Tày nơi đây. 

Các sản phẩm dao của làng nghề Rèn Phúc Sen.

Việc được công nhận là nghề, làng nghề truyền thống không chỉ tôn vinh những giá trị văn hóa, kỹ thuật tinh xảo mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho địa phương. Đây cũng là tiền đề để nghề Rèn Phúc Sen mở rộng thị trường, nâng cao năng lực sản xuất và thúc đẩy du lịch trải nghiệm gắn với làng nghề. 

Kỹ thuật rèn ở Phúc Sen chủ yếu dựa vào sự cảm nhận nhạy bén của người thợ để tạo ra những sản phẩm tốt.

Theo Quyết định, UBND huyện Quảng Hòa sẽ tổ chức công bố và trao bằng công nhận cho nghề, làng nghề Rèn Phúc Sen. Đồng thời, huyện có trách nhiệm giám sát và hỗ trợ hoạt động của làng nghề, đảm bảo các tiêu chí công nhận được duy trì bền vững. Việc công nhận cũng đồng nghĩa với trách nhiệm lớn hơn trong việc bảo tồn, phát triển nghề truyền thống và nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của làng nghề. Các cơ quan, ban ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ nghề, làng nghề phát huy tiềm năng. 

Ngoài ý nghĩa kinh tế, làng nghề Rèn Phúc Sen còn là điểm đến thu hút du khách yêu thích trải nghiệm văn hóa. Những du khách đến đây có cơ hội chứng kiến quy trình rèn thủ công, tìm hiểu về lịch sử làng nghề và mua sắm các sản phẩm chất lượng.

Du khách được những người thợ lành nghề giới thiệu về quy trình rèn thủ công và chia sẻ về lịch sử làng nghề

Việc phát triển nghề, làng nghề Rèn không chỉ giúp tăng thu nhập cho người dân mà còn góp phần quảng bá hình ảnh Cao Bằng - vùng đất giàu truyền thống và văn hóa. Đây là bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo tồn bản sắc dân tộc của tỉnh. 

Sản phẩm của làng nghề được đông đảo khách hàng quan tâm và lựa mua tại các sự kiện quảng bá trong và ngoài tỉnh.

Việc công nhận nghề, làng nghề truyền thống Rèn Phúc Sen năm 2024 là niềm tự hào của tỉnh Cao Bằng. Đây không chỉ là sự ghi nhận những nỗ lực của người dân địa phương mà còn là động lực để các nghề, làng nghề khác trong tỉnh phát huy giá trị, đóng góp vào sự phát triển chung của Cao Bằng - miền đất “Non nước hữu tình”.

Tác giả bài viết: Hoài Niệm

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu