Nằm yên bình dưới chân dãy núi đá vôi hùng vĩ, làng Dìa Trên, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hoà từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm giấy bản truyền thống - sản phẩm gắn liền với đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng của người Nùng nơi đây. Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, nghề làm giấy bản truyền thống đối mặt trước nguy cơ bị mai một. Nhận thức rõ giá trị văn hóa và tiềm năng kinh tế từ nghề làm giấy bản, Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng chủ động phối hợp với chính quyền và người dân địa phương triển khai công tác bảo tồn, phát triển làng nghề theo hướng bền vững.
Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng tư vấn cho người dân làng giấy bản Dìa Trên triển khai hoạt động du lịch trải nghiệm.
Với sự tư vấn của Ban Quản lý CVĐC, người dân Dìa Trên tiếp tục kế thừa kỹ thuật sản xuất truyền thống, đồng thời tích cực học hỏi, trau dồi kinh nghiệm nhằm cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất và con người địa phương. Qua sự kết nối của Ban Quản lý CVĐC, năm 2023, làng nghề hợp tác với doanh nghiệp xã hội Zó Project và áp dụng kỹ thuật seo giấy chất lượng cao dưới sự hướng dẫn trực tiếp của nghệ nhân làng giấy dó Bắc Ninh. Cùng với đó, sản phẩm giấy bản Dìa Trên ngày càng được cải tiến về hình thức, kích thước, thiết kế bao bì, từ đó tăng tính thẩm mỹ và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Các sản phẩm mới như: quạt giấy, sổ tay, tranh thư pháp, phong bì, hoa giấy... bước đầu đã nhận được phản hồi tích cực từ du khách, mở ra cơ hội phát triển dòng quà tặng du lịch chất lượng cao. Với vẻ đẹp độc đáo, sản phẩm giấy bản Dìa Trên vinh dự được chọn làm quà tặng dành cho đại biểu tham dự Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 tại Cao Bằng, góp phần quảng bá hình ảnh làng nghề truyền thống và lan tỏa giá trị văn hóa Non nước Cao Bằng tới bạn bè quốc tế.
Song song với hoạt động bảo tồn nghề truyền thống, Ban Quản lý CVĐC chú trọng tư vấn cho người dân phát huy giá trị văn hóa đặc trưng, bao gồm phong tục tập quán, lễ hội, cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc địa phương. Thông qua các buổi tập huấn, hội thảo, khảo sát thực tế và các chuyến đi học tập kinh nghiệm ngoại tỉnh, người dân làng Dìa Trên ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò của mình trong việc giữ gìn nghề truyền thống, gắn bảo tồn di sản với phát triển sinh kế bền vững. Từ nền tảng đó, người dân đã chủ động triển khai các hoạt động du lịch trải nghiệm, tạo cơ hội cho du khách trực tiếp tham gia vào các công đoạn làm giấy bản và chế tác sản phẩm thủ công, đồng thời kết nối với các điểm tham quan khác trong vùng CVĐC, góp phần cải thiện thu nhập và sức hấp dẫn cho du lịch địa phương.
Bên cạnh đó, người dân và đối tác CVĐC tại làng Dìa Trên luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ từ Ban Quản lý CVĐC trong công tác bảo tồn làng nghề gắn với vệ sinh môi trường, làm đẹp cảnh quan, triển khai các mô hình du lịch có trách nhiệm như: kệ bán hàng tự phục vụ, hòm quỹ bảo vệ môi trường làng nghề, bảng thông tin tham quan làng nghề… Những hoạt động này không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh địa phương, mà còn khuyến khích cộng đồng chủ động tham gia công tác bảo tồn di sản. Đồng thời các sản phẩm của đồng bào cũng được Ban Quản lý CVĐC tăng cường giới thiệu, quảng bá trên các nền tảng truyền thông, hội chợ triển lãm, sự kiện du lịch, sự kiện mạng lưới CVĐC trong nước và khu vực.
Du khách tham gia trải nghiệm vẽ trên giấy bản Dìa Trên.
Trong thời gian tới, Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng sẽ tiếp tục tư vấn, hỗ trợ nhân rộng mô hình bảo tồn di sản gắn với sinh kế cộng đồng tới nhiều làng nghề khác trong khu vực, góp phần thúc đẩy du lịch xanh, bền vững theo định hướng của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO.
Sản phẩm giấy bản Dìa Trên được giới thiệu tại Hội nghị triển khai công tác Du lịch và CVĐC Non nước Cao Bằng năm 2025.
Với sự đồng hành, hỗ trợ của Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng và chính quyền địa phương cùng tinh thần đổi mới, sáng tạo của người dân, mỗi tờ giấy bản, mỗi câu chuyện từ làng Dìa Trên hôm nay không chỉ lưu giữ ký ức lịch sử, văn hóa mà còn trở thành cầu nối lan tỏa những giá trị truyền thống quý báu của miền Non nước Cao Bằng. Những nỗ lực bền bỉ ấy đã và đang mang đến sức sống mới cho nghề thủ công truyền thống, đồng thời góp phần quảng bá di sản văn hóa đặc sắc của CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng tới du khách trong nước và quốc tế./.
Lương Thảo