Với trên 90% diện tích là rừng núi, sen kẽ là các thung lũng nhỏ để người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và sản xuất nông nghiệp. Cao Bằng có hệ sinh thái rừng phong phú cùng nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc. Những lợi thế đó mở ra cơ hội để Cao Bằng phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng theo hướng gắn kết hài hòa giữa bảo tồn thiên nhiên, văn hóa và phát triển bền vững.
Du khách tham quan làng hương Phja Thắp (xã Quảng Uyên).
Tính đến tháng 06/2025, toàn tỉnh có 338 cơ sở lưu trú, bao gồm hệ thống khách sạn từ 1 đến 5 sao, nhà nghỉ và homestay, tập trung chủ yếu tại các phường trung tâm tỉnh và điểm du lịch nổi tiếng, cùng với khoảng 6.200 lao động hoạt động trong ngành du lịch. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh chủ động triển khai nhiều cơ chế đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn; Nghị quyết số 78/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh đã thiết tục cụ thể hóa về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2025.
Một trong những điểm nhấn nổi bật của du lịch nông thôn tại Cao Bằng là sự kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa, hướng tới mục tiêu phát triển đa giá trị. Trong đó, các mô hình du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống được chú trọng, góp phần tạo sinh kế, giữ gìn bản sắc địa phương và thu hút du khách, điển hình như: làng giấy bản Dìa Trên, làng hương Phja Thắp (xã Quảng Uyên), làng đá cổ Khuổi Ky (xã Đàm Thủy), điểm du lịch cộng đồng xóm Hoài Khao (xã Thành Công), xóm Khuổi Khon (xã Hưng Đạo)… Cùng với đó, tỉnh tập trung triển khai các dự án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong khuôn khổ chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021–2030, bao gồm: đầu tư điểm tham quan du lịch nhà sàn 9 gian (xã Đông Khê), tu bổ các di tích quốc gia đặc biệt, xây dựng làng văn hóa dân tộc Tày tại Bản Giuồng (xã Thạch An), xuất bản các ấn phẩm truyền thông, quảng bá du lịch… Qua đó góp phần bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển sinh kế đồng thời tạo điểm nhấn đặc sắc giúp nâng cao nhận diện thương hiệu du lịch Cao Bằng.
Cùng với phát triển du lịch cộng đồng, Cao Bằng chú trọng xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp, sinh thái gắn với nghỉ dưỡng và trải nghiệm sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ. Đáng chú ý, kế hoạch phát triển du lịch sinh thái tại làng đá cổ Khuổi Ky (xã Đàm Thủy), thuộc Dự án “Hỗ trợ Kinh tế Tuần hoàn Xanh” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ với kinh phí 1 triệu USD, hướng đến xây dựng mô hình kết hợp giữa nông nghiệp bản địa, ẩm thực truyền thống và trải nghiệm du lịch được kỳ vọng sẽ tạo đột phá mới cho du lịch nông thôn Cao Bằng. Ngoài ra, tỉnh đang từng bước khai thác các loại hình du lịch tiềm năng như: du lịch qua biên giới, du lịch mạo hiểm, du lịch đêm, du lịch lịch sử - văn hóa – tâm linh… nhằm đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng phân khúc thị trường, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế.
Nhờ nỗ lực triển khai các giải pháp phát triển du lịch bền vững, gắn với bảo tồn văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ, trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành du lịch Cao Bằng đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Tổng lượt khách du lịch đến tỉnh đạt 1.520.063 lượt, tăng 47,7% so với cùng kỳ năm trước và đạt 60,8% kế hoạch năm. Trong đó, khách quốc tế đạt 57.922 lượt (tăng 176,8%), khách nội địa ước đạt 1.462.141 lượt (tăng 44,3%). Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 1.543 tỷ đồng, tăng 95,8% so với cùng kỳ, tương đương 77,1% kế hoạch năm; công suất sử dụng phòng đạt ước khoảng 55%. Những con số này phản ánh đà phục hồi mạnh mẽ và sức hấp dẫn ngày càng gia tăng của du lịch Cao Bằng, đặc biệt là các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với trải nghiệm bản sắc văn hóa.
Du khách trải nghiệm kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong tại điểm du lịch cộng đồng Hoài Khao (xã Thành Công).
Để du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng phát triển thực sự hiệu quả, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp: xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; huy động đa dạng nguồn lực xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp và người dân cùng tham gia; tập trung đào tạo, nâng cao năng lực nguồn nhân lực du lịch, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; quy hoạch và đầu tư hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách và người dân phát triển sinh kế; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống thông qua các chương trình du lịch trải nghiệm, giáo dục cộng đồng và kết nối thế hệ trẻ với di sản văn hóa địa phương.
Với định hướng, cách làm phù hợp thực tiễn và sự đồng hành tích cực của người dân, du lịch nông thôn và du lịch cộng đồng tại Cao Bằng được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, góp phần xây dựng nông thôn mới, gìn giữ bản sắc văn hóa và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội toàn diện, bền vững.
Tác giả bài viết: Lương Thảo