Thạch đen sương sáo
Món thạch đen được làm từ cây thạch đen (còn gọi là cây sương sáo) được trồng nhiều ở Cao Bằng, đặc biệt là huyện Thạch An. Đây là loại cây thân thảo, cao khoảng 40 - 60cm. Lá thạch đen có vị ngọt, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, giúp hạ huyết áp, trị cảm mạo, đau khớp.
Món thạch đen truyền thống (Ảnh: Trung Nguyên)
Cây thạch được thu hoạch khi thân cây xuất hiện nụ hoa ở ngọn, bà con sẽ cắt phần thân và lá thu về phơi nắng. Người Cao Bằng nấu thạch đen bằng cách rửa sạch cành lá cây thạch khô rồi cho vào nồi nấu nhừ, bắc ra để nguội, đổ nước vào túi vải sạch, vắt lọc lấy nước bỏ bã. Sau đó, đổ bột gạo hoặc bột sắn vào nấu cho hỗn hợp sôi đến khi đặc quánh lại thì đổ vào chậu, để nguội. Để cho thạch mau đông và giòn, người ta có thể cho thêm ít nước tro (tro rơm rạ) vào cùng với nước thạch đã lọc và bột gạo (hoặc bột sắn) trước khi nấu sôi lại. Thạch đen mềm, dai giòn, màu đen bóng, ăn vào có vị thơm nhẹ, thanh mát của lá thạch đen.
Nấu thạch đen theo phương pháp thủ công (Ảnh: Trung Nguyên)
Nhìn chung các người dân Cao Bằng hiện nay vẫn nấu thạch đen theo phương pháp thủ công, không dùng chất bảo quản, không dùng phẩm màu nhưng vẫn tạo được độ thơm ngon và dẻo dai cho sản phẩm.
Thạch đen – Món ăn giải nhiệt ngày hè (Ảnh: Trung Nguyên)
Có 2 loại thạch đen: loại có đường và loại không đường. Thạch có thể ăn riêng hoặc ăn cùng với chè, tào phớ, sữa đậu... Bảo quản trong tủ lạnh có thể sử dụng được từ 5 - 6 ngày.
Thạch trắng mác púp
Mác púp (quả mác púp) là tiếng của người Tày miền Đông Cao Bằng. Cây mác púp là dạng cây leo, thường bám vào các loại cây to hoặc trụ trên các mỏm đá vôi để sinh tồn, phát triển.
Ảnh cây mác púp (Ảnh: Trung Nguyên)
Mác púp nở hoa, kết trái từ tháng 3 - 4 âm lịch. Đến tháng 7 - 8 âm lịch, bà con vào rừng thu hái quả. Sau đó, quả mác púp được rửa sạch, phơi cho ráo nước, bổ vỏ tách lấy hạt có màu vàng nhạt. Hạt tép mác púp phơi nắng để khô được cho vào túi nilon dày hoặc nồi nhôm để bảo quản.
Theo dân gian, hạt mác púp vị ngọt, tính mát, có tác dụng tráng dương, lợi thấp, bổ thận, thông kinh lợi sữa, tiêu thũng giải độc, tốt cho đường tiêu hóa..., đặc biệt hạt mác púp không chỉ là vị thuốc mà còn được chế biến thành thạch trắng để giải khát trong những ngày nắng nóng.
Hạt mác púp (Ảnh: Trung Nguyên)
Để có được món thạch trắng mác púp khá đơn giản, người làm thạch chuẩn bị nước đun sôi để nguội, chậu, 1 túi vải sạch. Sau đó, tiến hành đổ nước xuống chậu theo công thức 2,5kg nước tương ứng với 200g hạt tép quả khô cho vào túi vải. Tiếp theo, đưa túi vải vào chậu nước vò nhẹ để các chất thạch màu trắng đục từ hạt tiết ra, khi thấy xuất hiện váng màu trắng đục phủ gần kín trên bề mặt nước thì ngừng vò túi hạt tép. Để chậu nước thạch sau khoảng từ 1 - 2 giờ, thạch sẽ đông chắc hoàn toàn.
Cốc thạch trắng thanh mát ngày hè (Ảnh: Trung Nguyên)
Nước đường để ăn với thạch trắng thường là đường làm từ mật mía (đường phên) hoặc đường hoa mai. Người ta dùng chiếc muôi hoặc dao cắt từng khoanh thạch nhỏ cho vào cốc, đổ lượng nước đường vừa phải tùy theo sở thích của mỗi người là đã có thể thưởng thức món thạch đặc biệt này.
Nếm miếng thạch giòn, tan đầu lưỡi và cảm nhận vị ngọt dịu, thanh mát đặc trưng của thiên nhiên vùng cao sẽ khiến du khách thích thú và thêm yêu non nước Cao Bằng.
Hồng Son – TTVH&TTDL