Ẩm thực Cao Bằng - níu chân thực khách

28/02/2021 1311 0
Cao Bằng sở hữu một nền ẩm thực phong phú và đa dạng. Đến Cao Bằng vào mùa này, du khách có thể thưởng thức rất nhiều món ăn tiêu biểu như: bánh cuốn, phở vịt, phở chua, vịt quay, lợn quay, bánh trôi, bánh áp chao, bánh khảo, bánh khẩu sli, thạch đen, quýt Trà Lĩnh, lạp sườn, trà Giảo Cổ Lam, trà Kolia,… Tất cả sẽ góp phần làm phong phú hơn hành trình trải nghiệm của du khách tại miền non nước Cao Bằng.

1. Bánh áp chao

Bánh áp chao Cao Bằng được chế biến khá đơn giản, vỏ bánh làm từ bột gạo nếp, gạo tẻ và đỗ tương trộn sánh đều theo tỉ lệ thích hợp, nhân bánh làm từ thịt vịt hoặc thịt lợn. Bánh được ăn kèm với đu đủ xanh bào sợi, nước chấm chua ngọt, rau húng, rau diếp…

Bánh áp chao

2. Coóng phù (phù noòng, bánh trôi):

Coóng phù được làm từ bột gạo nếp có pha bột gạo tẻ theo tỉ lệ thích hợp, đôi khi người làm bánh còn pha thêm bột gấc hoặc nước lá cẩm để tạo màu sắc sinh động cho bánh. Vị ngọt của đường phên Cao Bằng, vị cay ấm của gừng, vị bùi của lạc rang hòa trong hương vị đậm đà của loại bánh được làm từ gạo nếp hẳn sẽ làm ấm lòng thực khách.

Coóng phù

3. Phở chua

Phở chua là món ăn chế biến khá cầu kỳ gồm một ít phở vừa dẻo vừa dai, vài lát gan lợn, lạp sườn rán cháy cạnh, thịt ba chỉ, dạ dày lợn quay vàng rộm, điểm thêm rau thơm, lạc rang, khoai môn thái chỉ chao giòn, rồi lại được rưới lên nước sốt chua ngọt…

Phở chua (ảnh: TT)

4. Lạp sườn

Lạp sườn Cao Bằng được chế biến khá cầu kỳ. Nhân của lạp sườn được làm bằng thịt lợn đen đã tẩm ướp gia vị và không thể thiếu ít rượu trắng, chút gừng núi. Khi ăn, lạp sườn có mùi thơm của thịt, có độ dai của lòng, độ đậm của gia vị. Điều đặc biệt là vẫn còn hương vị của khói.

Lạp sườn

5. Bánh khảo

Nguyên liệu chính làm bánh là gạo nếp rang xay mịn được hạ thổ, sau đó trộn đều với đường phên. Nhân bánh là lạc, vừng rang giã nhỏ hoặc lạc trộn thịt mỡ ướp đường kính. Các nguyên liệu sau khi kết hợp với nhau đã tạo ra một hương vị riêng cho bánh khảo Cao Bằng.

Bánh khảo    

6. Khẩu sli

Khẩu sli tiếng địa phương có nghĩa là bánh gạo nếp nổ, cũng có thể hiểu là bánh bỏng. Nguyên liệu chính là: Gạo nếp, lạc, vừng, đường phên để tạo ra loại bánh với hương vị ngọt ngào, đặc trưng. Khẩu sli ở Nà Giàng (huyện Hà Quảng) đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể.

Bánh khẩu sli

7. Thạch đen

Món này làm từ cây thạch đen (còn gọi là cây sương sáo) được trồng nhiều ở Cao Bằng, đặc biệt là huyện Thạch An. Thạch đen mềm, dai giòn, màu đen bóng, ăn vào có vị thơm nhẹ, thanh mát của lá thạch đen. 

Thạch đen (ảnh: Trần Quý)

8. Quýt Trà Lĩnh

Quýt được ưa chuộng bởi độ chua ít, vị ngọt thơm đặc trưng, quả bóng đẹp, mong nước. Năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu tập thể quýt Trà Lĩnh.

Quýt Trà Lĩnh

9. Trà tiên Kolia

Được trồng ở độ cao trên 1.200m so với mực nước biển, phát triển trong vùng khí hậu lạnh, mây mù bao phủ quanh năm, lá chè ở vùng núi Phja Đén, Phja Oắc dày hơn và tích lũy được những tinh chất quý để tạo nên hương vị đặc biệt cho thương hiệu Trà Tiên Kolia.

Trà Tiên Kolia

Tác giả bài viết: Xuân Quỳnh

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu