Ẩm thực truyền thống mùa lễ hội ở Cao Bằng có gì hấp dẫn?

20/02/2024 662 0
Mùa xuân ở Cao Bằng có rất nhiều lễ hội được tổ chức, từ hội chùa, đền đến hội lồng tồng ở các xóm, xã, huyện. Một điều không thể thiếu trong lễ hội là các món ăn truyền thống của người dân bản địa bày bán như món quà lộc đầu năm.

Nổi bật nhất trong các lễ hội vẫn là món lợn quay nhồi lá mác mật truyền thống. Cả ngày hội nô nức người bán, người mua, người trải chiếu hay ngồi tại các hàng quán cùng gia đình, bạn bè uống rượu, thưởng thức món thịt lợn quay. Miếng thịt lợn quay ngon bì vàng rộp, giòn tan. Hương thơm của thịt quyện với các loại gia vị quyến rũ biết bao thực khách.

 

Thịt lợn quay - món ăn ưa thích của nhiều thực khách trong mùa lễ hội.

 

Pẻng Phạ (bánh trời) làm từ bột gạo nếp, nhào với nước chè, rượu trắng được nặn thành những viên bánh to bằng quả nhãn lồng. Viên bánh được phủ lớp bột áo trắng mịn bên trong là lớp đường vàng nâu thơm ngọt.

 

Theo quan niệm của người Tày, Nùng ở Cao Bằng, trứng đỏ là biểu tượng của sự đầy đủ, vẹn toàn, viên mãn và mong muốn cuộc sống no đủ. Nhuộm trứng đỏ là một trong những tục truyền lâu đời, không thể thiếu trong dịp lễ tết; đặc biệt là trong dịp đầu xuân.

 

Bánh Mò mè su héc được làm từ gạo nếp và một số loại cây địa phương. Ngày Tết, ngày hội, các bà, các mẹ sẽ nặn bánh thành những con vật rất ngộ nghĩnh, như: con mèo, chó, trâu, bò, lợn, gà, vịt, cá, chim, bướm, ve sầu... và những vật dụng thường dùng trong lao động sản xuất, trong đời sống sinh hoạt, như: Cày, bừa, con dao, cái kéo, cái liềm, cái cuốc, cái xẻng, chiếc nón, chiếc giỏ… Những chiếc bánh nhỏ xinh vừa đẹp vừa thơm ngon phù hợp với sở thích của các bạn nhỏ.

 

Bánh chè lam là sự kết hợp hài hòa giữa độ ngọt của mật, độ mịn, dẻo của bột nếp, thêm chút cay của gừng, bùi bùi của lạc. Bánh dẻo, mùi thơm nồng quyến rũ khiến bất cứ ai cũng muốn nán lại hội xuân thật lâu để thưởng thức.

 

Bánh hồ lô làm từ bột gạo nếp và đường phên. Bánh có nhiều loại: hồ lô thường, hồ lô ngải cứu, hồ lô gấc… Cả trẻ em và người lớn đều rất thích món bánh này bởi hương vị ngọt ngào và hình thù từng viên bánh tròn vàng ruộm, lạ mắt.

 

Bánh cuốn là món ăn đặc sản có mặt trên khắp mọi con đường, nẻo phố ở Cao Bằng. Món bánh này cũng được nhiều du khách chọn thưởng thức tại các lễ hội xuân.

 

Thạch đen không chỉ là một món ăn dân dã và bình dị được chế biến thành món giải khát tại nhiều lễ hội xuân. Du khách có thể mua các hộp, cốc thạch đã được đóng sẵn để mang về làm quà cho người thân, bạn bè.

 

Những năm gần đây, nhiều hội xuân tại các địa phương còn tổ chức thi, trưng bày món xôi ngũ sắc với mong muốn cầu một năm mới hạnh phúc, no đủ, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Đồng thời, thể hiện tình cảm đoàn kết của dân tộc.

Ẩm thực truyền thống tại các lễ hội xuân ở Cao Bằng được chế biến và sử dụng gia vị khác nhau, tạo nên nét hài hòa, độc đáo mang đặc trưng riêng. Thật thú vị khi vừa thưởng thức các món ẩm thực bản địa để lấy may mắn, an lành cho năm mới và ngắm nhìn khung cảnh hữu tình nước non Cao Bằng những ngày xuân.

Hồng Son

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu