Bánh khảo Cao Bằng – món quà mang đậm dấu ấn miền Non nước

18/12/2023 647 0
Bánh khảo từ lâu đã được coi như một thứ lương khô của người dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng. Trước đây, bánh chỉ được làm vào dịp Tết. Nhưng ngày nay, do nhu cầu của thực khách, bánh khảo được sản xuất quanh năm và trở thành một đặc sản - món quà mang đậm dấn ấn miền Non nước Cao Bằng.

Trong văn hóa truyền thống của người Tày - Nùng ở Cao Bằng, bánh khảo được coi là hương vị không thể thiếu của Tết; là món quà biếu khách quý và cũng là món bánh truyền thống để cúng gia tiên.

 

Bánh Khảo Cao Bằng còn được dùng làm sính lễ trong dịp cưới hỏi

Theo chị Hoàng Thị Phượng - cơ sở sản xuất bánh khảo Thanh Quyên ở phố Thông Huề, xã Đoài Dương, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng chia sẻ: Làm bánh khảo không quá khó nhưng để có những phong bánh khảo thơm ngon, cần trải qua nhiều công đoạn và đòi hỏi người làm phải thật khéo léo. Công đoạn đu tiên là chọn gạo. Đối với cơ sở sản xuất của gia đình chị, gạo nếp được chọn phải là loại nếp Trùng Khánh mới, hạt tròn mẩy. Sau đó, nếp được đem rửa sạch để ráo nước, rồi rang vàng trên chảo gang với lửa to đều của bếp củi cho đến khi hạt gạo nở hoa vàng chín. Những hạt nếp vàng tiếp đó được đem xay xát mịn thành bột.

Công đoạn rang vàng gạo nếp trên chảo gang

Nhân bánh cũng được chuẩn bị rất công phu, lạc nên chọn lạc đỏ Lục Khu (Cao Bằng) đem rang rồi giã nhỏ trộn với thịt mỡ mông lợn đã luộc chín và thái hạt lựu ướp với đường kính trắng. Khâu lựa chọn nguyên liệu kỹ như vậy mới đảm bảo bột bánh không bị khô, lạc bùi ngậy và thịt mỡ thái hạt lựu ngọt thanh, trong và giòn.

Nhân với vị bùi, ngậy, ngọt thanh của lạc, thịt mỡ và đường kính

Sau khi các nguyên liệu đã sẵn sàng, người làm bánh phải “hạ thổ” bột bánh để đảm bảo bánh mềm ngon, không dính miệng. Quá trình “hạ thổ” là đổ bột trên khung gỗ. Phía dưới khung gỗ là cát. Bên trên lót nhiều lớp lưới rồi mới đến lớp vải và lớp bột “hạ thổ”. Việc hạ thổ làm cho bột bánh ỉu và tăng tính liên kết. Đến đây, người thợ trộn bột đã “hạ thổ” với đường, dùng con lăn để bột và đường quyện đều vào nhau và tăng độ nhuyễn. Sau đó, bột được nén vào khuôn. Nén bánh vào khuôn là công đoạn đòi hỏi sự khéo léo của người làm bánh, nếu nén mạnh tay quá bánh sẽ cứng, còn nhẹ quá bánh lại dễ bị bở, vỡ vụn, không thành miếng. Sau khi bột ép vào khuôn phải tiến hành cắt bánh ngay. Nếu bột để lâu sẽ khô, khó cắt. Cuối cùng, bánh được gỡ ra khỏi khuôn và dùng giấy trắng hoặc giấy màu để gói bánh.

Bánh được nén vừa phải tạo s kết dính nhưng vẫn mềm dẻo

Ngoài nhân lạc, bánh còn có nhân tàu xá được làm từ đậu xanh rang rất mềm thơm

Nhân bánh còn có vừng và thịt nhằm tăng thêm sự lựa chọn cho thực khách

Bánh được gói ngay sau khi gỡ ra khỏi khuôn

Bánh khảo Cao Bằng bảo quản ở nhiệt độ thường trong thời gian khá dài mà không mốc, không thiu. Giá bán trên thị trường dao động từ 80 - 150 nghìn đồng/hộp 10 phong bánh khảo.

Nhâm nhi miếng bánh kết hợp với trà nóng, thực khách mới có thể tận hưởng hết hương vị thơm ngon riêng có của bánh khảo Cao Bằng

Bánh Khảo Cao Bằng- món quà quý được quảng bá trong và ngoài tỉnh

Bánh khảo ngày này đã trở thành một món ngon, một đặc sản du khách thích thưởng thức khi đến với miền Non nước. Những chiếc bánh khảo thơm ngon dần dần đã trở thành một món quà không thể thiếu để du khách lựa chọn cho người thân và bạn bè khi đến với Cao Bằng.

Tác giả bài viết: Hoài Niệm

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu