Là một tỉnh có trên 92% dân tộc thiểu số sinh sống, Cao Bằng có nhiều tiềm năng du lịch cả tự nhiên và nhân văn với những di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng. Nhiều dân tộc chung sống với những truyền thống văn hóa, lễ hội đa dạng, độc đáo đang được gìn giữ, lan tỏa. Chính điều này đã tạo cho vùng CVĐC Non nước Cao Bằng một bản sắc văn hóa sinh động.
Với bề dày lịch sử văn hóa, hiện tại, CVĐC Non nước Cao Bằng có số lượng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể rất lớn. Tổng số di tích và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh hiện nay là 214 di tích, trong đó có 91 di tích đã xếp hạng (gồm 3 di tích quốc gia đặc biệt, 23 di tích quốc gia, 25 di tích cấp tỉnh). Trong phạm vi CVĐC Cao Bằng có 67 di tích, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 19 di tích quốc gia và 20 di tích cấp tỉnh. Các di tích liên quan đến địa chất có cả 3 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia và 21 di tích cấp tỉnh.
Nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa trong vùng CVĐC, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Đồng chí Đặng Thu Hồng, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc được tỉnh chú trọng thông qua việc thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học về sưu tầm, nghiên cứu các giá trị văn hóa, văn học - nghệ thuật dân ca, dân nhạc, dân vũ của các dân tộc và các dự án về phát triển du lịch tại tỉnh, đặc biệt là trong phạm vi CVĐC, như: sưu tầm, nghiên cứu các làn điệu Dá Hai của dân tộc Nùng; bảo tồn và phục dựng Lễ hội Pháo Hoa truyền thống huyện Quảng Hòa; Sưu tầm, bảo tồn nghệ thuật hát Then, đàn tính của dân tộc Tày, Nùng; sưu tầm, nghiên cứu dân ca, dân vũ của người Dao Đỏ; sưu tầm, nghiên cứu dân ca, dân vũ của người Sán Chỉ; nghiên cứu, phục dựng đám cưới dân tộc Dao Đỏ; sưu tầm, bảo tồn nghệ thuật hát lượn Then tứ quý dân tộc Tày; nghiên cứu về đền, chùa, miếu Cao Bằng - thực trạng và giải pháp; nghiên cứu về văn, bia Cao Bằng qua các triều đại; nghiên cứu nghi lễ đám cưới của người Lô Lô; nghiên cứu lập hồ sơ khoa học nghi lễ Then của người Tày; nghiên cứu, đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị dân ca dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao; nghiên cứu, biên soạn tài liệu giảng dạy một số làn điệu dân ca dân tộc Tày, Nùng tại Trường Năng khiếu Nghệ thuật và Thể thao… Dự án “Tăng cường sinh kế cho người dân tộc thiểu số thông qua du lịch cộng đồng” tại Lũng Niếc, Trùng Khánh (dân tộc Tày) và làng hương Quảng Hòa (dân tộc Nùng)”; Dự án kiểm kê di sản Then và xây dựng bộ hồ sơ đăng ký quốc gia “Then Tày, Nùng, Thái Việt Nam” trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; dự án bảo tồn, phục dựng Lễ hội truyền thống Nàng Hai, xóm Chu Lăng, xã Kim Đồng (Thạch An); Dự án bảo tồn làng văn hóa truyền thống dân tộc Tày tại xóm Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh)…
Các cấp, ngành quan tâm chú trọng khai thác, phát triển vốn văn hóa dân gian dân tộc thiểu số trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật; tổ chức hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng. Hầu hết các địa phương trong tỉnh duy trì tốt việc tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc trong dịp lễ, tết... rất ý nghĩa, cổ vũ, động viên nhân dân các dân tộc tích cực, tự giác tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, thể thao truyền thống của dân tộc, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần. Một số địa phương bước đầu khai thác hiệu quả văn hóa truyền thống dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng vừa thu hút được đông đảo du khách, vừa bảo tồn, lưu giữ và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, nổi bật như: Pác Rằng, Phja Thắp, Bản Giuồng (Quảng Hòa), Khuổi Khon (Bảo Lạc)…
Đến với Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, du khách không chỉ thưởng ngoạn, trải nghiệm những thắng cảnh đẹp nguyên sơ mà còn hòa mình vào bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc.
Công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở được quan tâm lãnh đạo triển khai thực hiện đạt được những kết quả tích cực. Hạ tầng, thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng. Chú trọng xây dựng gia đình văn hóa, trọng tâm là giữ gìn và phát huy đạo lý, giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, con người Việt Nam; nâng cao chất lượng xây dựng bản, làng, khu dân cư văn hóa. Các địa phương quan tâm làm tốt công tác chỉ đạo, hướng dẫn khu dân cư xây dựng và thực hiện tốt các quy ước, hương ước. Đến nay toàn tỉnh có 100% thôn, bản, tổ dân phố xây dựng, rà soát, sửa đổi quy ước, hương ước trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; 100% lễ hội được tổ chức theo nếp sống văn minh đảm bảo đúng quy định; các hủ tục lạc hậu từng bước được đẩy lùi, môi trường văn hóa được xây dựng lành mạnh, tiến bộ, văn minh... Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; đến hết năm 2023 toàn tỉnh có trên 85% gia đình văn hóa, 82% xóm, tổ dân phố văn hóa…
Khi đến với CVĐC Non nước Cao Bằng, du khách không những thưởng ngoạn, trải nghiệm những thắng cảnh đẹp nguyên sơ mà còn hòa mình vào bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc đang sinh sống trong vùng CVĐC.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tô Thị Trang, trước xu thế phát triển, hội nhập toàn cầu đang diễn ra đã gây thêm áp lực, sự mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn các giá trị di sản văn hóa. Văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng CVĐC đang có nguy cơ bị mai một bởi tác động của kinh tế thị trường, ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai... Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vùng CVĐC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay. Bởi, các di sản được bảo tồn, khai thác vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, vừa phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Các địa phương trong vùng CVĐC cần chung tay, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các nhà quản lý, nhà đầu tư và cộng đồng về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa theo hướng khai thác đi đôi với bảo tồn.
Nguồn tin: (Thanh Thúy) Báo Cao Bằng điện tử - baocaobang.vn