Đặc sắc không gian văn hóa Hòa An tại Phố đi bộ Kim Đồng

02/04/2021 1030 0
Sau hơn một năm đi vào hoạt động, Phố đi bộ Kim Đồng, thành phố Cao Bằng đã trở thành điểm vui chơi hấp dẫn, đa dạng sắc màu dân gian, dân tộc, thu hút ngày càng nhiều người dân, du khách mỗi dịp cuối tuần. Không gian phố đi bộ khoác lên mình bức tranh tổng thể về nền văn hóa, mang đậm bản sắc của mỗi vùng miền non nước Cao Bằng. Đặc sắc hơn khi mỗi một địa phương biết tận dụng không gian phố đi bộ để trưng bày và tái hiện về lịch sử hình thành văn hóa của địa phương. Huyện Hòa An là địa phương đầu tiên tham gia gian hàng với nhiều sản vật, cùng với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc.

Một không gian văn hóa sống động về mảnh đất Hòa An được tái hiện ngay tại phố đi bộ Kim Đồng đã thu hút hàng nghìn du khách. Đó là các làn điệu dân ca, dân nhạc, trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt, văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương. Một Hòa An đa màu sắc với cô gái Tày giản dị trong bộ áo chàm cùng lời then, cây đàn tính, đặc sắc làn điệu múa sluông, chầu.


Trích đoạn về múa chầu cổ của các diễn viên đến từ xã Nam Tuấn, huyện Hòa An. Địa phương này vẫn luôn được biết đến là nơi cội nguồn của lời then và tiếng đàn tính.

Những nghệ thuật dân ca truyền thống đã được các diễn viên đến từ Hòa An tái hiện và diễu hành trên Phố đi bộ Kim Đồng. Đó là lời ca, tiếng đàn tính, múa chầu, hay lễ cưới của chàng trai, cô gái Dao Đỏ gợi nhắc về những bản làng trù phú, những cô gái dịu dàng, đằm thắm dang rộng vòng tay mở những điệu xòe vui. Sắc Tày, Nùng, Mông, Dao, văn hóa đa dạng của các dân tộc được hòa quyện, tạo nên một văn hóa Hòa An đầy hương vị ngay lòng thành phố Cao Bằng. Ông Đàm Nha, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian tỉnh Cao Bằng rất ấn tượng với không gian văn hóa Hòa An được tái hiện trên phố đi bộ: “Là một người con Hòa An, tôi rất tự hào bởi vì về di tích lịch sử, mọi người đều rất rõ nơi có Lam Sơn, có Nặm Lìn sáng soi. Nặm Lìn là nơi sinh ra Chi bộ Đảng đầu tiên của của tỉnh. Về bản sắc văn hóa của huyện Hòa An, đây là cái nôi là trung tâm văn hóa của tỉnh Cao Bằng, trong đó, hát then đã có từ lâu đời và người Hòa An đã chế tác ra cây đàn tính. Các thế hệ con cháu Hòa An vẫn luôn bảo tồn và lưu giữ bản sắc của mình”.


Một số hiện vật mang giá trị lịch sử, văn hóa của huyện Hòa An được trưng bày tại Phố đi bộ Kim Đồng.

Tại không gian văn hóa của phố đi bộ Kim Đồng, huyện Hòa An còn đưa những giá trị lịch sử, văn hóa để du khách thỏa lòng khám phá. Đó là các hiện vật như viên đạn đá thần công, gạch gồ xây tường thành, gốm thời nhà Mạc ở thành Na Lữ, và tấm dệt thổ cẩm thể hiện về truyền thống văn hóa phong phú từ lâu đời. Đó là những di sản được tái hiện về quá trình lịch sử của miền non nước Cao Bằng, cho đến nay vẫn được người dân địa phương tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc.


Các sản phẩm thủ công của người dân huyện Hòa An được trưng bày tại không gian văn hóa Phố đi bộ Kim Đồng.

Bên cạnh đó, địa phương này còn khéo léo đưa các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu như: đàn tính, khèn Mông, sáo, nón lá, làn, gùi, địu… và các sản vật đặc trưng như cơm cháy, rượu gạo Nhật, miến dong, các loại rau củ quả sản xuất theo mô hình rau hữu cơ để tô đậm thêm bức tranh của địa phương, càng tạo sự tò mò, thu hút đối với du khách. Bà Lý Thị Huệ, du khách đến từ huyện Bảo Lạc cho biết: “Tôi đến đây là lần thứ 2. Tôi thấy phố đông vui nhộn nhịp và đi qua không gian trưng bày văn hóa của huyện Hòa An đã tái hiện lại lịch sử huyện Hòa An. Tôi thấy rất tự hào và thấy có nhiều sản phẩm hay”.


Các gian hàng trưng bày của huyện Hòa An tại Phố đi bộ Kim Đồng thu hút đông đảo du khách, người dân đến tham quan.

Những giá trị đặc sắc nhất của Hòa An đã được tôn vinh, quảng bá từ các sản phẩm có tính thiết kế, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển đời sống đương đại. Giới thiệu các loại hình văn hóa dân gian giàu giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật là thể hiện những nỗ lực của chính quyền, nhân dân trong việc bảo tồn, phục hồi các giá trị văn hóa, lịch sử. Theo ông Đàm Thế Trang, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa An: “Trong thời gian vừa qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã dành nhiều thời gian quan tâm để bà con nhân dân tiếp tục phát huy, bảo tồn bản sắc văn hóa của quê hương cũng như phát huy tốt và gìn giữ, bảo tồn, nâng cao các giá trị di sản có tính chất lịch sử cách mạng và di sản Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, qua đó kêu gọi đầu tư, kết nối, mời gọi để quảng bá, xúc tiến đầu tư trên địa bàn huyện. Và hôm nay, trong không gian của Phố đi bộ Kim Đồng cũng là dịp để huyện Hòa An đưa các nét đặc trưng vùng miền của huyện đến với du khách khắp mọi nơi trong cũng như ngoài nước biết đến để thưởng lãm những nét đặc trưng của huyện Hòa An”.

Đây là huyện đầu tiên đưa các giá trị độc đáo của địa phương tái hiện qua Phố đi bộ Kim Đồng, tạo điểm nhấn mới lạ, giúp bảo tồn và lưu truyền đến các thế hệ đi sau tiếp nối văn hóa dân tộc; giúp du khách có những trải nghiệm thú vị về các sản phẩm du lịch độc đáo để thêm hiểu, thêm yêu, tạo động lực cho du khách đến với mảnh đất, thiên nhiên tươi đẹp. Đây cũng là dịp để các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các đơn vị, cá nhân cùng kết nối, hợp tác phát triển sản phẩm văn hóa, du lịch Cao Bằng, góp phần mở rộng thị trường, kích cầu du lịch trong thời gian tới.

Nguồn: caobangtv.vn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu