Độc đáo trang phục truyền thống của người Sán Chỉ

18/03/2024 186 0
Với đồng bào dân tộc Sán Chỉ ở Cao Bằng, trang phục dân tộc không chỉ là nét đặc trưng về tạo hình và phong cách thẩm mỹ, mà bộ trang phục dân tộc giống như chứng minh lịch sử, kể câu chuyện văn hóa trường tồn.

Trang phục truyền thống của phụ nữ Sán Chỉ là sự kết hợp hoàn hảo giữa nét đẹp truyền thống và sự tinh tế trong từng đường may. Một bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Sán Chỉ về cơ bản gồm những yếu tố: quần, áo trong, áo ngoài, thắt lưng và khăn vấn tóc. 

Quần trong bộ trang phục của người phụ nữ được may từ vải chàm có chiều dài ngang cổ chân. Áo gồm hai loại: áo trong và áo ngoài, áo trong thường là áo mỏng có màu sáng, áo ngoài được làm từ vải chàm, áo có hai mảnh được khâu chéo sang bên phải, các mép áo được thêu một viền dải màu đỏ, chiều dài áo ngang cùng với quần.

Vẻ đẹp của phụ nữ Sán Chỉ trong trang phục truyền thống.

Vẻ đẹp của phụ nữ Sán Chỉ trong trang phục truyền thống.

Điểm nhấn độc đáo của bộ trang phục người phụ nữ Sán Chỉ là kiểu cách vấn tóc và phụ kiện đi kèm cùng chiếc khăn đội đầu. Tóc được người phụ nữ Sán Chỉ vấn cao, búi về phía trước dùng cặp ba lá (khoảng 100 - 120 cái tùy vòng đầu mỗi người) cặp lại thành 2 vòng kẹp bạc quanh đầu, phía dưới phần kẹp ba lá bằng bạc là các vòng tóc giả (xưa là tóc thật) tết gọn quấn quanh đầu, thông thường từ 4 - 5 vòng. Sau cùng là khăn vấn tóc bằng vải thô, giữa mảnh vải có hoa văn được làm thủ công trang trí các họa tiết cây, cỏ, hoa lá, hình tam giác… che phần đỉnh đầu. Đáng chú ý là phụ nữ dùng trâm bạc (trâm gỗ) kèm xà tích, vòng bạc, hoa văn bằng bạc làm điểm nhấn trên phần tóc nên chỉ cần nhìn vào kiểu cách vấn tóc là dễ dàng nhận biết phụ nữ dân tộc Sán Chỉ so với các dân tộc khác. 

 

Vào những ngày lễ, tết, trên trang phục của người phụ nữ dân tộc Sán Chỉ sẽ có thêm thắt lưng, dải yếm và nhiều trang sức bạc. Dải yếm trước áo ngoài được làm bằng nhiều sợi chỉ sắc màu được kết nối từ cổ dài xuống hết thắt lưng (bao gồm 12 - 14 sợi to). Thắt lưng được bện từ nhiều sợi chỉ sắc màu, cách một đoạn thắt lưng lại được trang trí bằng các sợi chỉ tua rua, rủ xuống dài từ 10 - 15 cm. Khi quấn thắt lưng, hai mảng chỉ tua rua sẽ ở hai bên hông áo tạo thành điểm nhấn độc đáo. Ngoài ra, mặt ngoài thắt lưng điểm xuyết những hoa văn bằng bạc tinh tế, được quấn quanh thân áo từ 2 - 3 vòng. 

Màu sắc bộ trang phục phụ nữ Sán Chỉ không rực rỡ nhưng trang nhã, sâu sắc, thể hiện tính cách của người phụ nữ chân thành, trầm lắng và hết sức tinh tế. Bộ trang phục phụ nữ dân tộc Sán Chỉ không phân biệt lứa tuổi, gia thế mà đều giống nhau. 

Ngược lại, bộ trang phục nam của người Sán Chỉ mộc mạc, đơn giản hơn nhưng vẫn toát lên vẻ khỏe khoắn, mạnh mẽ. Trang phục nam được may bằng vải chàm với áo bà ba, áo có hai túi rộng, quần dài, ống quần rộng mềm mại về kiểu dáng để thuận tiện cho việc lao động, trồng trọt chăn nuôi và tiện lợi cho việc đi lại, leo trèo... 

Những cô gái Sán Chỉ khoác trên mình bộ trang phục truyền thống, tựa như những bông hoa sắc màu rực rỡ giữa núi rừng. Phụ nữ Sán Chỉ khi diện trang phục truyền thống phong thái nhẹ nhàng, duyên dáng, mềm mại và uyển chuyển. Có lẽ chính những điều này khiến người phụ nữ luôn cảm thấy tự hào khi khoác lên mình bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Ngày nay, bộ trang phục dân tộc của phụ nữ Sán Chỉ không chỉ gói gọn trong những bản làng của người Sán Chỉ mà còn theo người phụ nữ xuống chợ, lên nương, xuất hiện trong các lễ hội, trên sân khấu biểu diễn và dần trở thành nét đẹp văn hóa được nhiều cô gái Sán Chỉ lựa chọn trong dịp cưới. Với những giá trị độc đáo về văn hóa, bộ trang phục dân tộc của người phụ nữ Sán Chỉ thực sự là tác phẩm nghệ thuật độc đáo, khéo léo, thể hiện sự chịu thương, chịu khó của người phụ nữ, góp phần làm nên sự đa dạng của bản sắc dân tộc.                  

Nguồn tin: Báo Cao Bằng

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu