Khảo sát xây dựng, quảng bá, khai thác sản phẩm du lịch liên kết Cao Bằng - Hà Giang

29/03/2024 516 0
Ngày 26 - 27/3, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Cao Bằng và Sở VHTTDL Hà Giang phối hợp tổ chức khảo sát xây dựng, quảng bá, khai thác sản phẩm du lịch liên kết vùng gắn với Hội thảo định vị thương hiệu du lịch Hà Giang trong liên kết phát triển vùng Đông, Tây Bắc tại tỉnh Cao Bằng.

Tham gia chương trình khảo sát có đại diện Lãnh đạo Sở VHTTDL Cao Bằng và Sở VHTTDL Hà Giang, hơn 30 doanh nghiệp lữ hành tiêu biểu khai thác thị trường du lịch Hà Giang, các văn phòng đại diện của những công ty du lịch nước ngoài tại Việt Nam, các chuyên gia du lịch, nhà nghiên cứu du lịch ở các trường đào tạo du lịch lớn và các cơ quan truyền thông, báo chí.

Đoàn khảo sát tại tỉnh Cao Bằng

Chương trình khảo sát nhằm đánh giá tiềm năng, chất lượng điểm đến du lịch của tỉnh Cao Bằng và tỉnh Hà Giang, đặc biệt là điểm đến thuộc 02 CVĐC toàn cầu (Non nước Cao Bằng, Cao nguyên đá Đồng Văn). Từ đó, các đơn vị tham gia khảo sát sẽ tiến hành tư vấn, xây dựng sản phẩm du lịch mới, có tính chuyên đề liên kết các không gian du lịch tỉnh Cao Bằng và tỉnh Hà Giang cũng như vùng lân cận.

Tại Cao Bằng, Đoàn đã tiến hành khảo sát tại: Di tích Cứ điểm Đồn Đông Khê thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950, cơ sở chế biến thạch đen Lê Thuỳ (huyện Thạch An); làng rèn Pác Rằng, làng hương Phja Thắp, điểm di sản địa chất Đèo Mã Phục (huyện Quảng Hòa); Phố đi bộ Kim Đồng (thành phố Cao Bằng); chợ bò Lương Thông (huyện Hà Quảng); đèo 15 tầng Khau Cốc Chà (huyện Bảo Lạc).

Đoàn khảo sát tham quan phòng trưng bày tại di tích Cứ điểm Đồn Đông Khê

Đoàn khảo sát tìm hiểu về hệ thống lô cốt, hầm ngầm tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950

Đoàn khảo sát lắng nghe những chia sẻ về kỹ thuật rèn dao tại làng rèn Pác Rằng

Một số thành viên trong Đoàn khảo sát chia sẻ những kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực du lịch

Sau khi kết thúc khảo sát, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Trưởng đoàn khảo sát đã chia sẻ: Cao Bằng được đánh giá cao về tiềm năng để phát triển du lịch, nguồn tài nguyên du lịch đặc sắc, nổi bật là những điểm di sản thuộc CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; giá trị sinh thái xanh; giá trị văn hoá gắn với đồng bào các dân tộc sinh sống tại địa phương. Tuy nhiên, du lịch Cao Bằng muốn phát triển mạnh mẽ cần tập trung đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, dịch vụ du lịch, nhằm kết nối, thu hẹp khoảng cách giữa Cao Bằng với Hà Giang, Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận; xác định nguồn tài nguyên cốt lỗi để xây dựng sản phẩm du lịch chủ chốt; sớm nâng cấp các dịch vụ phục vụ hoạt động du lịch tại chỗ (nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giả trí,…); triển khai, tăng cường hoạt động xúc tiến tiềm năng, đặc biệt là hướng tới đối tượng khách nội địa đến từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và miền Trung Tây Nguyên. Bên cạnh đó, Cao Bằng muốn thu hút dòng khách nước ngoài (như Châu Âu, Úc, Mỹ) cần tăng cường đầu tư và phát triển các sản phẩm du lịch mạo hiểm và du lịch gắn với các giá trị sinh thái đa dạng.

Chương trình khảo sát xây dựng, quảng bá, khai thác sản phẩm du lịch liên kết vùng nhằm tạo ra hành trình tham quan khép kín, thúc đẩy thỏa thuận kết nghĩa và hợp tác giữa CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng và CVĐC toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang cùng kết nối, phát triển du lịch.

Tác giả bài viết: Xuân Quỳnh

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu