Khôi phục và bảo tồn, phát huy hoa văn cổ trên thổ cẩm người Tày

09/03/2020 1813 0
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống là một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên bản sắc văn hóa người Tày. Theo thời gian, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nghề dệt thổ cẩm truyền thống đã có một số thay đổi để phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế. Tuy nhiên, đang xuất hiện những biểu hiện đáng lo ngại có thể đưa tới nguy cơ biến dạng, bị mai một, thậm chí biến mất nét đặc sắc riêng của hoa văn cổ trên thổ cẩm người Tày.
Nghệ nhân Nông Thị Thược giới thiệu hoa văn cổ trên tấm thổ cẩm truyền thống người Tày.

Nghề dệt thổ cẩm cổ truyền gắn bó với cuộc sống của đồng bào dân tộc Tày ở Cao Bằng. Trước đây, tại các xóm, bản người Tày ở Cao Bằng rất phát triển những sản phẩm thổ cẩm truyền thống nổi tiếng về chất lượng cũng như kỹ thuật dệt thủ công truyền thống trong việc tạo hình hoa văn trực tiếp để trang trí cho các sản phẩm rất đẹp mắt, như: mặt chăn, địu, gối… Bên cạnh giá trị về mặt kinh tế, sản phẩm dệt thổ cẩm với những hoa văn độc đáo còn mang nhiều ý nghĩa, triết lý về đời sống, phong tục tập quán, giúp cho các sản phẩm dệt thổ cẩm của người Tày ở Cao Bằng mang những nét đặc trưng, tiêu biểu, giàu bản sắc văn hóa.
Nhưng những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân, việc sử dụng các sản phẩm thổ cẩm, trang phục truyền thống không còn phổ biến, chỉ thấy xuất hiện trong các lễ hội nên nghề dệt thổ cẩm đang mai một, thất truyền. Trong đó, đáng lo ngại nhất là tình trạng một số nghệ nhân dệt thổ cẩm trong quá trình nỗ lực gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống nhưng để tiêu thụ được sản phẩm đã cải tiến mẫu mã và các hoa văn trên sản phẩm, vì thế các hoa văn cổ trên thổ cẩm người Tày dường như đang bị quên lãng.
Bà Nông Thị Thược, xóm Luống Nọi, xã Ngọc Đào (Hà Quảng) đã hơn 40 năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm, gia đình được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam vinh danh "Bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam"; năm 2018, sản phẩm thổ cẩm của bà Thược được tặng danh hiệu "Sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề tiêu biểu Việt Nam". Các sản phẩm thổ cẩm của bà được giới thiệu, quảng bá trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam và các nước trong khối ASEAN. Gia đình bà được công nhận là thành viên đối tác của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề khôi phục, bảo tồn hoa văn cổ trên thổ cẩm, bà Thược trăn trở: Hiện nay, một số nghệ nhân trong làng đã cao tuổi và lần lượt qua đời mang theo những kỹ thuật tạo hình hoa văn cổ độc đáo, trong khi thế hệ trẻ chưa kịp kế thừa. Số lượng nghệ nhân biết các kỹ thuật tạo hình hoa văn cổ còn rất ít. Việc khôi phục những hoa văn cổ đòi hỏi nhiều công sức, có khi tôi phải suy nghĩ nhiều đêm, thực hiện trên khung dệt nhiều ngày mới làm ra các hoa văn cổ trên tấm thổ cẩm. Vì những mẫu hoa văn cổ thường có họa tiết phức tạp, phải căn cho đúng khung, dệt đều tay, thoi đánh chặt, việc phối các màu phải trùng khớp… Tuy công việc có khó khăn nhưng tôi vẫn đang cố gắng sưu tầm, nghiên cứu và khôi phục lại nhiều mẫu hoa văn cổ xưa; truyền dạy lại kỹ thuật dệt cho con cháu nắm vững để tiếp nối nghề truyền thống.

Hoa văn cổ trên thổ cẩm người Tày rất độc đáo và yêu cầu kỹ thuật cao.

Trăn trở của bà Thược cũng là nỗi niềm chung của nhiều nghệ nhân dệt thổ cẩm người Tày trên địa bàn tỉnh. Để khôi phục, gìn giữ, bảo tồn, phát huy hoa văn cổ trên thổ cẩm người Tày, bên cạnh sự nỗ lực của những nghệ nhân thổ cẩm như bà Thược cần có sự chung tay của các ngành chức năng như: Khẩn trương sưu tầm, phục chế lại những mẫu hoa văn cổ mà ít người Tày trên địa bàn tỉnh còn biết đến; tổ chức các cuộc thi dệt thổ cẩm để tìm thợ dệt giỏi nhằm phát hiện thêm các hoa văn cổ còn bảo lưu trong dân gian; tìm những thợ giỏi, nghệ nhân trẻ làm người hướng dẫn dạy nghề cho thế hệ trẻ, để tiếp nối cùng nhau gìn giữ những nét đẹp của nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Tích cực sưu tầm các mẫu hoa văn cổ thông qua tư liệu hình ảnh, trang phục còn cất giữ ở các làng Tày trong tỉnh để nghiên cứu phục dựng lại các mẫu hoa văn đẹp, tinh xảo nhằm đưa vào sản xuất và tiêu thụ; xây dựng các chương trình thuyết minh cho du khách khi tới tham quan, mua sắm các sản phẩm thổ cẩm truyền thống về ý nghĩa các hoa văn cổ trên sản phẩm; tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm thổ cẩm…  

Nguồn: Bao Cao Bằng

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu