Trùng Khánh phát triển du lịch, dịch vụ

20/03/2024 202 0
Với bề dày lịch sử được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vỹ, Trùng Khánh là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến Cao Bằng. Nổi bật nhất là danh thắng cảnh thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, Mắt Thần núi; nhiều phong cảnh thiên nhiên đẹp như sông Quây Sơn, sông Bắc Vọng, hồ Bản Viết, các cánh đồng Phong Nặm, Ngọc Khê, Ngọc Côn dọc hai bên bờ sông Quây Sơn...

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 15 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, trong đó, có 4 di tích quốc gia gồm: thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao (xã Đàm Thủy), địa điểm Đài Tiếng nói Việt Nam tại hang Ngườm Chiêng (1966 - 1978) (thị trấn Trùng Khánh) và Mắt Thần núi (xã Cao Chương). 

Năm 2023, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch được huyện đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội. Phối hợp với Công ty cổ phần Truyền thông Laser-Ad - đơn vị sản xuất chương trình “Around Việt Nam - Một vòng Việt Nam”; Công ty sản xuất chương trình truyền hình Eccholine, Bỉ và Kênh truyền hình M6, Pháp; Công ty sản xuất Chương trình truyền hình Eccholine, Bỉ và Kênh truyền hình Banijay, Italia; Công ty cổ phần Đường Đua Mới bay Flycam phục vụ chụp chiếu và quay chương trình thi đấu Giải chạy siêu đường mòn “Non nước Cao Bằng”; Ban Truyền hình tiếng dân tộc, Đài Truyền hình Việt Nam; chương trình “Hành trình vẻ đẹp” VTV1 của Công ty TNHH tổ chức sự kiện Việt đưa hình ảnh của huyện đến gần hơn với du khách trong tỉnh, ngoài tỉnh và quốc tế. Phối hợp chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất để tổ chức vận hành thí điểm đón khách du lịch vào khu cảnh quan theo Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc).

Với 4 dân tộc Tày, Nùng, Mông, Kinh cùng chung sống, huyện duy trì và tổ chức các lễ hội như: Lễ hội thác Bản Giốc, đền Hoàng Lục, hội Co Sầu, cầu mùa, Lồng tồng, Háng Tán, Thanh Minh, miếu Long Vương... thu hút lượng lớn du khách thập phương đến tham quan, khám phá vùng đất, con người, đặc biệt là văn hóa, phong tục, tập quán của người dân bản địa. Bản sắc văn hóa của các dân tộc được giữ gìn và phát huy như làng văn hóa dân tộc Tày xóm Khuổi Ky (xã Đàm Thủy) cùng với các giá trị về văn hóa ẩm thực, văn hóa phi vật thể, các làn điệu dân ca Dá hai, Sli giang, Hà lều, Phong slư, hát Then, hát lượn, đàn tính... 

 

Du khách nước ngoài thưởng thức ẩm thực mang bản sắc riêng của Trùng Khánh.

Toàn huyện có 54 cơ sở lưu trú du lịch với 638 phòng nghỉ, trong đó 13 khách sạn, 19 nhà nghỉ, 22 homestay. Các cơ sở lưu trú được thẩm định và ra quyết định công nhận loại, hạng cho cơ sở đạt tiêu chuẩn. Trong năm, huyện phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định 8 cơ sở lưu trú đủ điều kiện hoạt động; chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin tiếp tục hướng dẫn các cơ sở lưu trú homestay hoàn thiện hồ sơ thông báo hoạt động theo quy định.

Để tăng thêm tính hấp dẫn cho du khách, huyện tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, thành lập câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ phục vụ tại các khu, điểm du lịch, trong các dịp lễ hội. Đến nay, huyện thành lập 67 câu lạc bộ dân ca với 1.349 thành viên, 7 đội văn nghệ quần chúng với 163 thành viên, 1 đội Dá hai với 24 thành viên. Chi hội bảo tồn dân ca các dân tộc huyện thường xuyên được củng cố, kiện toàn; 21 phân chi hội tập hợp hội viên tổ chức nhiều chương trình biểu diễn phục vụ nhân dân và nhiệm vụ chính trị của địa phương. 

Năm 2023, tổng lượt khách du lịch đến huyện đạt 923.339 lượt khách, vượt 84,6% kế hoạch, tăng 323.938 lượt so với năm 2022. 2 tháng đầu năm 2024, huyện thu hút hơn 100.000 lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Điều này không chỉ thể hiện sự tăng trưởng của ngành du lịch mà còn khẳng định chất lượng dịch vụ du lịch của huyện được nâng lên, giúp “níu chân” du khách với nhiều loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí.

Mặc dù du lịch Trùng Khánh đạt được những thành tựu quan trọng nhưng kết quả trên chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Nhận thức về vai trò của du lịch còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức; tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng nhưng chưa xây dựng được sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, độc đáo; các loại hình dịch vụ phục vụ hoạt động vui chơi giải trí chưa được đầu tư bài bản; việc thu hút đầu tư và đầu tư hạ tầng cơ sở tại các khu, điểm du lịch còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực du lịch còn thiếu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế; năng lực một số cán bộ làm công tác du lịch chưa đáp ứng yêu cầu; đa số các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, nhà hàng quy mô vừa và nhỏ, vốn đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ còn hạn chế, việc kết nối tour/tuyến du lịch trong và ngoài huyện từng bước được hình thành nhưng chưa rõ nét.

Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh Chu Thị Vinh cho biết: Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian tới, huyện tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp trong quản lý, phát triển du lịch. Tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XX về phát triển du lịch - dịch vụ bền vững, giai đoạn 2021 - 2025. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú; từng bước nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về lợi ích từ phát triển du lịch; hướng dẫn, hỗ trợ người dân làm công tác du lịch, nhất là tại các khu, điểm có tiềm năng phát triển du lịch được bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch, tham quan học tập kinh nghiệm về các mô hình du lịch cộng đồng.

Tăng cường đầu tư trong việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, các di sản văn hóa phi vật thể, các cảnh quan thiên nhiên; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; thực hiện các biện pháp quản lý di tích gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và phát triển du lịch. Các cấp, các ngành, địa phương vận động, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, chăn nuôi, trồng rau sạch; sản phẩm đan lát, phát triển cây dẻ, vùng dẻ theo mô hình sản xuất tạo ra sản phẩm sạch, an toàn phục vụ du lịch. Tiếp tục đầu tư, chỉnh trang đô thị thị trấn Trùng Khánh, thị trấn Trà Lĩnh, các điểm ngắm cảnh của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng và một số địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch; chú trọng phát triển những sản phẩm du lịch độc đáo gắn với những lợi thế của huyện và gần với các thị trường lớn; liên kết xây dựng tour, tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh nhằm khai thác có hiệu quả sản phẩm và những lợi thế của địa phương.

Nguồn tin: Báo Cao Bằng điện tử - baocaobang.vn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu