Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 tại Cao Bằng thành công tốt đẹp

08/09/2024 25/11/2024

121 0

Ngày 15/9, tại tỉnh Cao Bằng diễn ra Lễ bế mạc Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APGN) năm 2024.

Các đại biểu tham dự phiên Bế mạc.

Dự phiên Bế mạc có ông Jin Xiaochi, Phó Chủ tịch Ban điều hành Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO, Điều phối viên Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương; ông Guy Martini, Tổng Thư ký Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO; đồng chí Đào Quyền Trưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Ủy viên thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam; đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông; đại diện các CVĐC thành viên của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Về phía tỉnh Cao Bằng có đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị; đồng chí Bế Thanh Tịnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đồng chí Trịnh Trường Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh; Lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.

 

Ông Jin Xiaochi, Phó Chủ tịch Ban điều hành Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO, Điều phối viên Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương phát biểu tổng kết Hội nghị.

Phát biểu tổng kết Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình, ông Jin Xiaochi, Phó Chủ tịch Ban điều hành Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO, Điều phối viên Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhấn mạnh: Các phiên họp của Hội nghị trong 3 ngày qua với nhiều bài thuyết trình sôi nổi về các hoạt động CVĐC, góp phần chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, các khuyến nghị từ CVĐC của mình để tăng cường học hỏi lẫn nhau. Đặc biệt, các phiên họp có sự tham gia của các bạn trẻ chia sẻ về những hoạt động, đóng góp đối với sự phát triển của CVĐC, đó chính là những niềm hi vọng của các CVĐC trong khu vực và trên toàn cầu hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai. Song song với các hoạt động chính trong Hội nghị là những hoạt động khảo sát thực địa, các biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa các CVĐC. Đó là những hoạt động ý nghĩa góp phần thúc đẩy các hoạt động của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cũng tại phiên bế mạc, ông NiKolas Zouros, Chủ tịch Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO bày tỏ cảm ơn những nỗ lực của Ban Tổ chức, Lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng, cơ quan, đơn vị, các lực lượng giúp việc, cùng các tình nguyện viên trong những ngày qua đã nỗ lực hết mình góp phần cho Hội nghị thành công tốt đẹp. Ông đặc biệt chia sẻ, đồng cảm trước những mất mát to lớn về người và tài sản mà nhân dân tỉnh Cao Bằng cũng như các tỉnh phía Bắc vừa hứng chịu bởi cơn bão Yagi. Đây là Hội nghị thành công nhất do Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO tổ chức trong những năm qua. Ông kêu gọi các thành viên của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương hãy tiếp tục nỗ lực, phát huy và hỗ trợ nhau để Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng phát triển hơn.    

Các đại biểu chứng kiến ký kết Tuyên bố Cao Bằng.

 

Ông Guy Martini, Tổng Thư ký Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO đọc Tuyên bố Cao Bằng.

Tại phiên bế mạc đã ký kết, đưa ra Tuyên bố Cao Bằng. Tuyên bố nêu rõ CVĐC toàn cầu UNESCO cần tích cực thu hút cộng đồng địa phương và người dân bản địa; soạn thảo và triển khai kế hoạch đồng quản lý đáp ứng các nhu cầu xã hội và kinh tế, bảo vệ cảnh quan và bảo tồn bản sắc văn hóa của địa phương. Cộng đồng địa phương cần được thêm vào trong quá trình lập kế hoạch và quản lý khu vực. Các bên liên quan và chính quyền địa phương, khu vực có liên quan đều được đại diện trong quá trình quản lý CVĐC toàn cầu UNESCO. CVĐC toàn cầu UNESCO xác nhận vai trò của cộng đồng địa phương hoặc người bản địa trong việc xác định, bảo vệ và bảo tồn các lãnh thổ CVĐC. Người dân địa phương là những người có liên quan, nắm giữ quyền trong quá trình xác định, đề cử, quản lý và bảo vệ CVĐC toàn cầu của UNESCO cũng như trong việc giới thiệu di sản. Nhằm nâng cao quyền làm chủ của cộng đồng địa phương và thu hút nhiều du khách, mạng lưới CVĐC toàn cầu của UNESCO xác định, bảo vệ và tối ưu hóa việc sử dụng di sản phi vật thể để kể những câu chuyện về các quá trình địa chất, lịch sử, văn hóa cũng như các nghi lễ và tín ngưỡng của người dân địa phương…

Đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị APGN lần thứ 8 phát biểu bế mạc.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh: Hội nghị APGN lần thứ 8 đã diễn ra các cuộc họp của Hội đồng CVĐC toàn cầu để đánh giá các hồ sơ thẩm định và tái thẩm định, cuộc họp của Ban điều phối và Ban cố vấn của Mạng lưới CVĐC khu vực châu Á - Thái Bình Dương; tổ chức 06 phiên hội thảo chuyên đề khoa học với hơn 160 bài tham luận với nhiều thông tin, tư liệu quý, kinh nghiệm xoay quanh các chủ đề đa dạng từ giá trị di sản địa chất, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tới các hoạt động của CVĐC toàn cầu gắn với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc theo chương trình nghị sự 2030; các hoạt động giáo dục về CVĐC, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều biên bản hợp tác giữa các CVĐC toàn cầu trong khu vực cũng đã được ký kết.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng được thưởng thức các chương trình nghệ thuật đặc sắc, với nhiều tiết mục biểu diễn các Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại của Việt Nam được UNESCO ghi danh và các tiết mục truyền thống của các dân tộc sinh sống trong vùng CVĐC. Đồng thời, nhiều hoạt động đa dạng được diễn ra như: Trình diễn thời trang, “Cuộc thi ảnh đẹp về Hội nghị APGN lần thứ 8”, “Cuộc thi tìm hiểu về danh hiệu CVĐC toàn cầu, Mạng lưới châu Á - Thái Bình Dương và Mạng lưới CVĐC Việt Nam”, các hoạt động trải nghiệm, khám phá Phố đi bộ Kim Đồng; Không gian giới thiệu các CVĐC khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Giới thiệu “Câu lạc bộ cùng em khám phá CVĐC” và sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh. 

Các đại biểu cũng đã có những phút giây hoà mình vào cảnh sắc thiên nhiên và gặp gỡ những người dân bản địa thân thiện trong vùng CVĐC toàn cầu Non nước Cao Bằng thông qua chương trình trải nghiệm tuyến du lịch phía Bắc “Hành trình về nguồn cội” và tuyến du lịch phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên”.

Một trong những điểm nhấn đặc biệt trong khuôn khổ Hội nghị APGN lần thứ 8 chính là Chương trình Kỷ niệm 20 năm thành lập Mạng lưới CVĐC toàn cầu. Chương trình vô cùng ý nghĩa này đã mang đến cho các thành viên Mạng lưới những khoảnh khắc tự hào về hoạt động của Mạng lưới sau 20 năm, qua đó tăng thêm sự gắn kết, hợp tác giữa các thành viên vì mục tiêu phát triển bền vững của nhân loại.

Hội nghị APGN lần thứ 8 đến nay đã thành công tốt đẹp với nhiều quyết định quan trọng của Mạng lưới CVĐC toàn cầu, mạng lưới CVĐC khu vực châu Á - Thái Bình Dương; tìm ra nhiều giải pháp, kinh nghiệm hữu ích trong công tác xây dựng và phát triển danh hiệu CVĐC theo các tiêu chí của UNESCO. Tin rằng, những kinh nghiệm, chia sẻ quý báu của quý vị đại biểu sẽ góp phần giải quyết những thách thức toàn cầu hiện nay, đặc biệt là nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, người dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình di sản và tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch bền vững.

Kết quả của Hội nghị APGN lần thứ 8 thể hiện tinh thần trách nhiệm của các thành viên của mạng lưới CVĐC toàn cầu và sự quyết tâm, nỗ lực của tỉnh Cao Bằng trong việc gìn giữ và khai thác bền vững các giá trị di sản trong vùng CVĐC toàn cầu Non nước Cao Bằng. 

Ban Tổ chức đã trao Giấy chứng nhận cho các thành viên có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO.

 

Ban Tổ chức trao cờ tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 9 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2026 cho CVĐC toàn cầu Langkawi, Kedah, Malaysia.

Tại phiên bế mạc, Ban Tổ chức đã trao Giấy chứng nhận cho các thành viên có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO; cuộc thi ảnh đẹp về Hội nghị quốc tế lần 8 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương; trao giải cuộc thi “Tìm hiểu về Mạng lưới CVĐC Việt Nam”. Đại diện tổ chức CVĐC toàn cầu UNESCO và ãnh đạo tỉnh Cao Bằng trao cờ tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 9 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2026 cho CVĐC toàn cầu Langkawi, Kedah, Malaysia.

Hoài Nam

Bản đồ

Lịch trình mẫu