Chùa Sùng Phúc còn có tên gọi khác là chùa Sùng Khánh, được xây dựng dưới thời vua Trần Nhân Tông. Chùa hiện thờ đức Phật Quan Âm Bồ Tát, ở hậu cung có tượng Phật bà. Ngay khu bên trái thờ vị Thành Hoàng là ông Nguyễn Thành Vương, tức Nguyễn Đình Bá, quê ở thôn Bình Dân, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Khi ông giữ chức Tri Châu Tư Lang, sử sách ghi nhận: Ông có công chiêu dân khẩn hoang lập bản được dân suy tôn là Tiên Công Thành Hoàng làng. Tiếp tục được sự tín nhiệm của quan trên và sự mến phục của nhân dân, ông đã giữ đến chức Đốc Đồng ở Cao Bằng. Đặc biệt, chùa còn thờ vi đồ Nguyễn Thị Duệ (người làng Kiệt Đặc, nay thuộc xã Văn An, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) - nữ tiến sĩ duy nhất trong lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam, đỗ đạt tại Trường Quốc học Bản Thảnh Cao Bằng (triều Mạc). Hiện nay, trong chùa còn một tấm bia đá, khắc dưới thời vua Lê Cảnh Hưng năm thứ 43. Tấm bia bằng chữ Hán, ghi lại lịch sử và việc trùng tu chùa, truyền thống bảo vệ Tổ quốc cùng sự hiển linh chở che của vị thần bảo hộ đã đem lại cuộc sống ấm no, thái bình cho nhân dân. Tấm bia đã được công nhận là di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.
Lễ hội nhằm phát huy giá trị bản sắc văn hoá truyền thống, khuyến khích các hình thức sinh hoạt văn hoá, văn nghệ dân gian và các trò chơi mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc. Từ đó, Lễ hội còn góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ và ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy, khai thác giá trị văn hoá gắn với phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội.
Màn múa lân, múa rồng khai hội
Lễ hội được chia làm hai phần chính. Phần Lễ gồm các nghi lễ truyền thống: Lễ cúng thổ công tại các xóm, khu phố; Tế lễ; Lễ rước kiệu ban phúc. Phần Hội gồm các hoạt động văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian (bóng chuyền hơi, tung còn, kéo co, tranh đầu pháo, bịt mắt bắt vịt, bắt lợn); các phần thi ẩm thực truyền thống dân tộc, thi làm còn, thi trình diễn trang phục dân tộc và gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc hữu của địa phương.
Nghi lễ dâng hương trong Lễ hội
Hoạt động tranh đầu pháo trong Lễ hội
Phần thi chế biến ẩm thực truyền thống dân tộc giữa các xóm, khu phố thuộc thị trấn Thanh Nhật, huyện Hạ Lang
Phần thi làm còn giữa các xã, thị trấn của huyện Hạ Lang
Có thể thấy, Lễ hội chùa Sùng Phúc không chỉ là một trong những Lễ hội truyền thống của huyện Hạ Lang, mà còn mang ý nghĩa văn hoá tâm linh sâu sắc đối với người dân địa phương trong mỗi dịp đầu xuân.
Tác giả: Hoài Niệm
Ảnh: Trung tâm Văn hoá huyện Hạ Lang