Trải nghiệm trò chơi dân gian trong lễ hội xuân

17/03/2024 212 0
Mùa xuân cũng là mùa của các lễ hội nối tiếp nhau khiến hành trình du xuân miền Non nước Cao Bằng thêm hấp dẫn. Một trong những hoạt động không thể thiếu của các lễ hội vùng cao được người dân và du khách yêu thích chính là những trò chơi dân gian độc đáo, là nét văn hóa truyền thống được người dân gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Tung còn

Tung còn là trò chơi phổ biến nhất tại các hội lồng tồng, hội xuân của đồng bào dân tộc Tày, Nùng Cao Bằng. Dụng cụ để chơi gồm cây còn và quả còn. Cây còn được làm từ thân cây tre, mai, cao khoảng 20 - 30 m tùy theo lựa chọn của mỗi vùng. Phần ngọn được uốn hình vòng cung, dán giấy màu đỏ, vàng, trắng trông rất bắt mắt.

 

Quả còn được các bà, các mẹ khâu tay rất đẹp mắt.

Quả còn to bằng quả cam lớn, khâu thủ công từ những mảnh vải các màu cắt thành hình ô vuông cạnh khoảng 17 cm, gấp chéo bốn góc, khâu chắp nối vào nhau thành 4 - 6 múi. Bên trong nhồi các loại: hạt thóc, hạt bông, hạt vừng, hạt cải, hạt đỗ... Dây còn và các tua được cắt và khâu từ vải vụn đủ màu sắc, khâu so le các tua với nhau để khi tung lên, quả còn uốn lượn nhiều tua như rồng bay, phượng múa.

Lày cỏ

 

Trò chơi lày cỏ không phân biệt tuổi tác, giới tính, thu hút đông đảo khán giả cổ vũ.

Một trong những trò chơi thu hút đông đảo người dân và du khách là lày cỏ, hay còn có tên gọi khác là “sai mạ”. Đây là trò chơi thu hút sự hoạt náo của những người chơi và sự hò reo cổ vũ của những người xung quanh. Trò chơi sử dụng trí tuệ, sự tính toán, phán đoán và phản xạ nhanh nhạy của người chơi. Về hình thức, lày cỏ gần giống với oằn tù tì ở các miền khác. Mỗi bên thành lập đội từ 2 người trở lên, sau đó cử 1 người đại diện mỗi lượt để đấu trí với đội bạn. Người chơi xòe các ngón tay không theo quy luật nào cả và phải khớp nhịp điệu, ra ngón tay đồng thời với đối phương. Dựa vào sự phán đoán và đọc to các con số bằng ngôn ngữ Hán Nôm như sau: “nhất” là số 1, “nhị” là số 2, “slam” là số 3, “lục” là số 6... Khẩu ngữ “lày cỏ” thường quy định khi hô phải có đuôi, gọi là “lày mỳ thang”, cụ thể, số 3 hô là “slam tỉm slam”, số 4 là “slế hồng slế”, số 6 là “loọc woáy loọc”.

Người chơi đọc to các con số, nếu cộng các ngón tay hai người lại đúng bằng số đã đọc sẽ chiến thắng. Nếu một bên thua liên tiếp mà không giành được bất cứ điểm nào thì gọi là “pạc pản” có nghĩa là “nốc ao”, sẽ chịu gấp đôi hình phạt. Bên nào giành được 4 điểm thắng thì bên thua phải uống một chén rượu... Trò chơi này đem lại không khí sôi nổi, hào hứng cho cả người chơi và người cổ vũ. Nhiều cuộc chơi kéo dài 15 phút, tạo sự kịch tính khi hai bên tranh giành nhau đến điểm số cuối cùng.

Ném pao

Ném pao là trò chơi dân gian truyền thống, đặc sắc của dân tộc Mông, trở thành hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Quả pao do các cô gái Mông tự tay khâu rất cẩn thận, tỉ mỉ từ 3 - 5 lớp vải, bên trong nhồi hạt lanh, vải vụn và bông để tạo độ nẩy, phồng và mềm mại cho quả pao. Họ chú ý từng đường kim, mũi chỉ để làm thành quả pao hình vuông to hơn bàn tay với màu sắc sặc sỡ, ở giữa là hình những bông hoa nhỏ li ti nhiều màu hoặc những bông hoa to.

Trong dịp lễ, tết, ngày hội, người Mông chơi ném pao ở những khu đất rộng và bằng phẳng. Để tham gia trò chơi, người chơi sẽ chia làm 2 đội đứng quay mặt vào nhau với khoảng cách 4 - 5 m. Khi ném pao, người chơi ở hàng bên này tung quả pao cho người ở hàng bên kia bắt. Điều đặc biệt trong trò chơi ném pao không chỉ để vui chơi, giải trí hay rèn luyện đôi tay, con mắt mà còn để tìm kiếm người yêu, người bạn đời lý tưởng. Khi thích ai đó, các chàng trai, cô gái sẽ tung quả pao của mình về phía người đó và họ cùng nhau ném qua, ném lại hàng giờ, cả ngày mà không biết chán. Nếu có tình cảm với nhau, họ sẽ bắt quả pao bằng mọi giá; ngược lại, nếu không có tình cảm họ sẽ nhường pao cho người khác bắt hoặc để pao rơi xuống đất.

Cờ tướng

 

Cờ tướng là một trong những môn thể thao diễn ra trong các dịp lễ hội, thu hút đa số người chơi là người trung niên và các cụ già. Môn thể thao này không đơn thuần chỉ để giải trí mà còn là một cuộc đấu đầy trí tuệ mang đậm bản sắc dân tộc. Bàn cờ tướng hình chữ nhật, có 32 quân (mỗi bên 16 quân). Hai người chơi có nhiệm vụ tấn công tướng của đối thủ, nếu tới phiên đi nhưng không có nước hợp lệ để đi, không bảo vệ được tướng bên đó sẽ bị thua.

Đánh đu

 

Đây là một trò chơi phổ biến ở nhiều vùng miền, được rất nhiều người dân yêu thích, không chỉ có các em nhỏ mà cả người lớn cũng hào hứng tham gia. Trong trò chơi này, cây đu là phương tiện chính của trò chơi, được dựng lên từ những cây tre hoặc cây gỗ vừa cao, vừa chắc lại vừa dẻo để người chơi có thể đu lên cao nhất có thể. Trò chơi này ngoài tính thể thao, rèn luyện và giải trí, còn là dịp để trai, gái giao lưu, gần gũi, tỏ tình với nhau, nhất là những ngày lễ hội và những dịp xuân về.

Ở Cao Bằng, lễ hội xuân còn có rất nhiều trò chơi khác nhau như: nhảy bao bố, đi cà kheo, bịt mắt bắt vịt, đi guốc ván, bắn nỏ… mang đến cho người dân tâm thế phấn khởi đón chào một năm mới tràn đầy sức sống, vui tươi, hạnh phúc. Với nhiều hoạt động thể thao, trò chơi dân gian vừa gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc, vừa giúp người dân nâng cao đời sống văn hóa tinh thần.

Hồng Son

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu